Nói hay không nói?

Thực lòng mà nói mình cũng chẳng muốn nói đến vụ Việt-Á nữa vì sợ rằng nói nhiều quá hóa nhàm. Nhưng có một việc phát sinh mới mà không nói cứ như đeo đá trong lòng.

Đó là ngày 26-12, Bộ Khoa học và công nghệ công khai số tiền tài trợ cho Công ty Việt Á nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19. Công văn nêu rõ Kit xét nghiệm này là sản phẩm của một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia, do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Theo thông tin được Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) đăng tải trên cổng thông tin của bộ, kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia.

cong-vannghien-cuu-che-tao-bo-sinh-pham-rt-pcr-va-real-time-rt-pcr-1640568395.png
“Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.

Nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia này có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỉ đồng. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu này là Học viện Quân y do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm đề tài. Việc nhà nước dùng ngân sách tài trợ cho các nghiên cứu khoa học vốn là chuyện bình thường. Công luận còn mong muốn Nhà nước nên tăng cường tài trợ các nghiên cứu khoa học có lợi cho quốc kế dân sinh để động viên tinh thần phục vụ của các nhà khoa học.

Nói là vậy nhưng trong trường hợp này có những điều đáng bàn là chất lượng công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) ở Việt Nam cũng còn không ít hạn chế, vướng mắc và nhiều vấn đề đặt ra trong một lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, khiến nhiều người phải băn khoăn, trăn trở. Có một thực tế tồn tại lâu nay trong lĩnh vực NCKH ở nước ta, đó là đề tài khoa học thì nhiều, nghiệm thu "nghiêm túc" và đánh giá xuất sắc là chủ yếu, nhưng việc ứng dụng vào thực tiễn lại chưa được bao nhiêu. Thậm chí, đại đa số sản phẩm ấy lại được xếp ngay ngắn trong ngăn kéo hoặc trưng bày rất đẹp trong các tủ kính.

Ngoài việc phần lớn các công trình nghiên cứu được xếp vào tủ kính thì một vấn nạn khác nữa là không hiểu vì sao người ta cứ thích các đề tài nghiên cứu nghe rất hay ho, chỉ có điều những cái đó đã được thiên hạ phát minh ra từ lâu. Thay vì chỉ việc mua cái sáng chế đó về sử dụng thì người ta lại bỏ hàng đống tiền ra nghiên cứu vừa tốn tiền lại tốn thời gian.

Có một câu chuyện có thật như sau: Cách đây khoảng gần vài mươi năm, có một đề tài có tên: Nghiên cứu nuôi cấy nấm sò cải thiện bữa ăn cho sinh viên. Tổng chi phí 300 triệu đồng. Thời giá lúc đó, có lẽ cũng bằng ba tỷ bây giờ. Vấn đề chính là lúc đó chỉ cần bỏ ra tối đa là vài mươi triệu, mua phôi, mua luôn cái quy trình người ta đã làm rồi cứ thế nuôi cấy là ra nấm. Chuyện sản xuất nấm sò bấy giờ đã phổ biến đến mức cái anh nông phu ít học cũng làm được kia mà, có gì khó mà phải bày vẽ ra nghiên cứu công phu, tốn kém vậy?. Thế mà đề tài được mang ra bảo vệ. Chủ đề tài báo cáo quy trình sản xuất và sản phẩm được trưng bày là khoảng hơn chục cái nấm sò, có lẽ mới mua ở chợ về. Bảo vệ xong cấp cơ sở, rồi cấp Bộ. Các Hội đồng đều đánh giá xuất sắc.

Quay lại với việc nhà nước dùng ngân sách tài trợ cho Việt-Á nghiên cứu sản xuất kit test xét nghiệm cũng có điều đáng bàn. Đó là, một câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra là từ sản phẩm của nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, được nhận gần 19 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị chủ trì là Học viện Quân y, thì sản phẩm ấy phải thuộc về nhà nước (sản phẩm của một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia). Vậy khi bộ xét nghiệm được Công ty Việt Á bán hàng triệu sản phẩm với giá 470.000 đồng thì có hợp lý hay không và nhất là lợi nhuận sẽ được hạch toán như thế nào, vào đâu?

Công luận tin rằng, một ai đó hay một nhóm nào đó lợi dụng quyền thế, vị trí công tác mà chi dùng ngân sách một cách vô tội vạ để làm lợi cho cá nhân phe nhóm theo kiểu “một tay che trời” được. Trước sau cũng sẽ “cháy nhà ra mặt chuột”!./.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích