Những điều cần lưu ý trước khi ký hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ

Thời gian gần đây dư luận xôn xao sự việc một nữ diễn viên cho rằng bị Công ty Bảo hiểm nhân thọ lừa. Khi tư vấn sản phẩm, đại lý bảo hiểm luôn đưa ra những lợi ích hấp dẫn mà ít đề cập đến rủi ro. Do đó, người mua phải vô cùng cẩn trọng trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Cụ thể, nữ diễn viên này cho biết, đã mua 2 gói bảo hiểm, một cho bản thân và một cho con trai với tổng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn. Theo đó, nhân viên tư vấn nói cô tham gia hợp đồng 10 năm, hết thời hạn sẽ lấy lại đủ 7 tỷ đồng cộng thêm tiền lời sẽ được xấp xỉ 10 tỷ đồng. Nữ diễn viên cho biết, cô đã tham gia bảo hiểm được 3 năm tổng số tiền đã đóng khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây cô hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện thời hạn hợp đồng bảo hiểm ghi con số 74 năm, không phải 10 năm như tư vấn ban đầu.

Ngay sau khi video của nữ diễn viên được đăng tải trên mạng xã hội, không ít người tham gia Bảo hiểm nhân thọ đã giật mình giở hợp đồng của mình ra, với hàng loạt băn khoăn, lo lắng với một số điều khoản được cho là khá rối ren. Nhiều người cho rằng, nên có một mẫu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chung, quy định các yêu cầu cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm.

anh-chup-man-hinh-2023-04-16-luc-131755-1681625977.png

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, người mua bảo hiểm cần lưu ý và hiểu những vấn đề sau:

1. Toàn bộ tiền đóng vào được tích luỹ?

Có phải cứ đóng 100 triệu đồng mỗi năm là cả 100 triệu này sẽ được tích lũy để nhận lại trong tương lai? Không đâu. Nhiều hợp đồng này nêu rõ, thường 4 loại phí: chi phí ban đầu, chi phí rủi ro, chi phí quản lý HĐ và chi phí quản lý quỹ. Những phí này đặc biệt cao những năm đầu.

2. Lãi suất cam kết = Lãi suất minh hoạ?

Theo quy định của Bộ Tài chính về mẫu hợp đồng, sẽ luôn có 2 phần liệt kê mức lãi để khách hàng tham khảo. Phần cam kết là chắc chắn nhận được, còn phần minh họa chỉ là giả định lãi suất trên thị trường diễn biến theo các mức này, như ở đây 5% hay 7% chỉ là giả định. Thực tế với nhiều công ty hiện nay, mức lãi thực tế gửi ngân hàng có khi chỉ đạt 4%, tức là dưới cả 2 mức minh hoạ.

3. Thời gian đóng phí = Thời gian bảo vệ?

Như 1 món hàng có thời hạn sử dụng, hợp đồng bảo hiểm cũng thế. Thời gian đóng phí có thể linh hoạt và ngắn hơn nhiều, chỉ kéo dài 10, 15 hoặc 20 năm thôi. Dĩ nhiên sau đó vẫn có thể đóng phí tiếp với mục tiêu tích lũy và gia tăng giá trị bảo vệ.

4. Rút hết tiền trong hợp đồng vẫn được bảo vệ?

Ở bất kỳ thời điểm nào, nếu khách hàng rút hết tiền đã gửi bảo hiểm thì hợp đồng sẽ chấm dứt và khách hàng không được bảo vệ nữa. Còn nếu hiểu là chỉ rút 1 phần tiền mà vẫn được bảo vệ thì cũng chưa đầy đủ bởi hàng năm bạn vẫn sẽ bị trừ các loại phí rủi ro và bạn càng già thì chi phí rủi ro càng cao. Đến 1 thời điểm nào đó tiền trong tài khoản sẽ về 0 và bạn không được bảo vệ nữa.

5. Mua một hợp đồng nhân thọ = Bảo vệ tất cả?

Không đúng. Vì trong hợp đồng có sản phẩm nào thì khách hàng sẽ được bảo vệ sản phẩm đó. Có nhân thọ thì được bảo vệ nhân thọ, có thẻ sức khỏe mới được bảo vệ sức khỏe nhưng khách hàng lại nghĩ mua một hợp đồng là được bảo vệ tất cả, dẫn đến kiện cáo nhiều và nói bảo hiểm lừa đảo.

6. Các loại trừ của bảo hiểm

Nhân viên tư vấn không kỹ hoặc thậm chí vào hùa với khách để giấu giếm bệnh tật có sẵn của khách, thì đến khi công ty bảo hiểm chứng minh được bệnh tật là có sẵn từ trước thì khách hàng vẫn sẽ không được bảo vệ, gây thiệt hại về quyền lợi cho khách.

7. Thời gian chờ đối với bệnh

Thường có điều khoản chờ đối với bệnh, có thể là 30, 60 hoặc 90 ngày với bệnh ung thư hoặc các bệnh đặc biệt. Tức là nếu ngay khi bạn vừa mua bảo hiểm xong mà mắc những căn bệnh này trước khi hết thời gian chờ, bạn cũng sẽ không được bảo vệ. Không phải cứ mua bảo hiểm là được bảo vệ ngay lập tức với tất cả các loại bệnh.

8. Thời gian cân nhắc 21 ngày

Giống như chính sách đổi trả hàng sau khi bạn mua 1 bộ quần áo mà thấy không vừa hoặc phát hiện lỗi, bạn có thời hạn 21 ngày để ĐỌC HỢP ĐỒNG của mình, tức là kể cả hợp đồng 100 trang bạn có thể dành ra mỗi ngày đọc 5 trang và sau đó nếu không ưng thì vẫn có thể sửa, hoặc thậm chí lấy lại toàn bộ tiền của mình. Vì vậy hãy đọc thật kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký./.

Thi Nguyên (t/h)