Hoàng đằng là loại cây leo rất to và dài, có thể vươn lên tới ngọn của các cây cổ thụ. Rễ cây Hoàng đằng và thân cây già sẽ có những đường nứt xù xì, gỗ màu vàng. Lá mọc so le, có hình trái xoan, phiến lá dài và nhẵn với 3 gân chính nổi lên. Cụm hoa Hoàng đằng mọc tại kẽ lá đã rụng, hoa nhỏ màu vàng lục.
Hoàng đằng phân bố ở vùng núi, trung du Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Thu Hái: người ta thu hái rễ và thân cây vào tháng 8,9. Người ta cạo sạch lớp vỏ bần bên ngoài, chặt thành từng đoạn rồi mang đi phơi khô, sấy dùng để làm thuốc.
Thành phần hóa học cây thuốc Hoàng đằng: Thành phần chính là palmatin. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của nước ngoài thì phần rễ và thân của cây hoàng đằng có chứa hàm lượng palmatin nhiều nhất (2-3%).
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên động vật đã phát hiện ra những tác dụng dược lý quan trọng của cây Hoàng đằng:
- Tác dụng kháng khuẩn: hoạt chất palmatin trong cây Hoàng đằng có khả năng ức chế vi khuẩn đường ruột hiệu quả.
- Palmatin còn giúp chống nấm, đặc biệt là dòng nấm gây viêm nhiễm âm đạo.
- Tác dụng lên tim mạch: hoạt chất này giúp làm hạ huyết áp cho người huyết áp cao, ngoài ra còn chống rối loạn nhịp tim.
Công dụng cây Hoàng đằng trong dân gian
Theo Đông y, cây Hoàng đằng có vị đắng, tính hàn đi vào 2 kinh: tâm và can. Hoàng đằng thường được dùng để thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, thông tiện, lợi thấp, chuyên trị các chứng bệnh: kiết lỵ, tiêu chảy, bệnh về gan, nóng trong, da lở loét, mắt đỏ, viêm tai… Với liều dùng 6-12g sắc uống hàng ngày. Theo Trung Hoa bản thảo, cây Hoàng đằng trị viêm yết hầu, quai bị, viêm gan vàng da, viêm ruột, trẻ em tiêu hóa kém, viêm xoang, viêm âm đạo…
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, chính thành phần palmatin, jatrorrhizin, columbamin và berberin đã giúp cây hoàng đằng có công dụng kháng khuẩn, chữa đau mắt, tiêu chảy, viêm âm đạo và đặc biệt dùng làm thuốc an thần, giảm đau.
Hoàng đằng chữa kiết lỵ: Hoàng đằng + vỏ thân mức hoa trắng hoặc có thể dùng cao hoàng đằng kết hợp cao cỏ sữa lá to, sắc hoặc viên thành viên thuốc để đặc trị kiết lỵ.
Chữa các chứng viêm: viêm đường tiết niệu, viêm phế quản, bạch đới, viêm gam virus, viêm tai trong và hội chứng lỵ: Dùng mỗi vị 10-12g: Hoàng đằng, Mộc thông, Huyết dụ, sắc nước uống hàng ngày cho tới khi bệnh khỏi hẳn.
Chữa viêm tai có mủ: Bột Hoàng đằng 20g + bột phù phỉ 10g. Làm sạch mủ tai rồi thổi bột trên vào tai làm 2-3 lần/ngày cho tới khi hết mủ.
Chữa đau mắt đỏ có màng: Hoàng đằng 4g, phèn chua 2g, tán 2 vị thuốc trên thành bột, trưng cách thủy với nước. Gạn lấy phần nước trong dùng nhỏ mắt ngày 2 lần.
Chữa kẻ chân viêm lở chảy nước ngứa: Hoàng đằng 10-20g, Kha tử 10g, hai vị thuốc này mang đi giã nhỏ sắc lấy nước đặc, dùng để ngâm ngày 1 – 2 lần.
Trẻ em người nóng da nổi mụn như cơm cháy: Chỉ cần dùng Hoàng đằng nấu với nước loãng, dùng nước này tắm cho trẻ từ 1-2 lần/ngày sẽ giúp làm lặn mụn hiệu quả.
Trên thực tế, cây Hoàng đằng là vị thuốc quý vừa có giá trị y học vừa có giá trị kinh tế cao. Những bài thuốc dân gian về cây Hoàng đằng luôn được nhân dân tin dùng vì hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng. Tuy nhiên để đảm bảo không có bất cứ tác dụng phụ xảy ra, người bệnh nên hỏi ý kiến thày trước khi dùng các bài thuốc trên./.