Nhựa Việt Nam đã có mặt tại các thị trường khó tính trên thế giới

Sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, cộng đồng các quốc gia Châu Âu, Nhật, Úc…
nhua-1698307218.jpg
Nhựa Việt đã có mặt tại các thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Việt Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới .

Còn trong báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trong 5 năm qua luôn đạt ở mức từ 12 - 15%/năm. Tổng doanh thu ngành nhựa hiện đã đạt trên 25 tỉ USD, xuất khẩu chiếm 22%, sản phẩm nhựa Việt có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc và cộng đồng các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha…

Kim ngạch xuất khẩu nhựa tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỉ USD trong năm 2018 lên 5,5 tỉ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12 - 20%/năm. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cung như suy thoái kinh tế toàn cầu tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại từ cuối năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, xuất khẩu nhựa đang có sự hồi phục, tháng sau cao hơn tháng trước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tiếp đà tăng trưởng trong tháng 7, sang tháng 8, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tháng 8 đạt 466,8 triệu USD, dù giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tăng 6,8% so với tháng 7.

Mặc dù xuất khẩu nhựa của Việt Nam vẫn trong đà tăng trưởng, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng xu hướng kinh tế tuần hoàn, Hiệp hội Nhựa Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, để hội nhập thành công, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam cần chuẩn bị kỹ càng đón đầu cơ hội, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Hương Lan