Nhiều nước cấm xuất khẩu gạo và cơ hội "vàng" cho Việt Nam

Trong bối cảnh Ấn Độ, UAE, Nga cấm xuất khẩu gạo, hầu hết các quốc gia khác đều “đổ dồn” sang Việt Nam, Thái Lan để tìm kiếm phương án thay thế. Bên cạnh đó, việc thời tiết biến động xấu, hiện tượng El Nino đã tác động lớn đến sản lượng lúa gạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội "vàng" cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2023 xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành hàng lúa gạo đang kỳ vọng xuất khẩu cả năm sẽ đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2022.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 6.950 đồng/kg, giá bình quân là 6.882 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 225 đồng/kg, ở mức 8.258 đồng/kg; giá cao nhất là 8.450 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng khá mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 12.500 đồng/kg, giá bình quân 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 12.300 đồng/kg, giá bình quân 12.050 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.100 đồng/kg, giá bình quân 11.758 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất 963 đồng/kg, giá trung bình là 12.500 đồng/kg.

gao-1690962639.jpg
Nhiều nước cấm xuất khẩu gạo và thời cơ cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Ảnh minh họa

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm sẽ càng sôi động. Sản xuất thắng lớn khi cơ cấu giống lúa có nhiều chuyển biến, năng suất cao. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh.

Đặc biệt, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, các quốc gia Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt Nam. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng đã giúp bức tranh xuất khẩu có thêm nhiều thành tích.

Thời cơ tăng tốc xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi, nhưng cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bởi vậy, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7/2023, Bộ đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa thu đông, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu; chú trọng giải quyết tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản; tình hình chăn nuôi lợn khả quan do giá lợn hơi trong tháng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định.

Bên cạnh đó, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023 (diễn ra vào chiều ngày 01/8/2023) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như: Thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi; chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Về chăn nuôi, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm… Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Liên minh kinh tế Á – Âu. Cùng với đó, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Đông Nghi