Theo ghi nhận, ở mức lãi suất tiết kiệm tại quầy, ngân hàng Xây dựng (CBBank) đang có mức lãi suất cao nhất. Với kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng (cho khoản tiền dưới 1 tỉ đồng) giữ mức lần lượt là 6,8%, 6,9%, 7,1%.
Đứng thứ hai là Ngân hàng Quốc dân (NCB) có mức lãi suất tiết kiệm tương ứng 6 tháng, 9 tháng, 13 tháng lần lượt là 6,8%, 6,9%, 7%. Các ngân hàng VietABank, BaoVietBank, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank trả lãi suất từ 7% trở lên.
Ở mức lãi suất gửi tiết kiệm online, các ngân hàng đang cho gửi tiết kiệm với mức lãi suất từ 7% trở lên bao gồm: VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, NamABank, PVComBank, HDBank, BacABank. Trong đó, VietABank là đơn vị trả lãi cao nhất, ở mức 7,3%.
Hiện, 4 ngân hàng thuộc nhóm quốc doanh gồm Vietcombank, Viettinbank, BIDV và Agribank không ghi nhận sự thay đổi về lãi suất gửi tiết kiệm.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5 - 2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, một số ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay từ 0,7-1%. Như tại Agribank, đơn vị này dành 10.000 tỉ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mức lãi suất được áp dụng giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn.
Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động đã giảm mạnh sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.