Chuyện đầu tiên có lẽ là về vaccine. Trong công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành ngày 13/12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thống kê 9 lô vaccine được gia hạn và đề nghị CDC thông báo tới các đơn vị, điểm tiêm áp dụng hạn dùng mới, đã được Viện công bố gia hạn hôm 30/11. Kể cũng lạ, vì sao bỏ tiền túi ra mua mà không kén chọn, cứ mua loại cận đát thế này làm cho người dân thắc mắc và không yên tâm dùng cho dù có giải thích.
Chuyện thứ hai là đấu giá đất Thủ Thiêm. Đặc biệt, Ngôi Sao Việt sau 70 lần trả giá và trúng thầu với gần 2,44 tỉ đồng/m², gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Phiên đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm đã mang về cho ngân sách TP.HCM 37.346 tỉ đồng. Chuyện đấu giá đất đắt hay rẻ và mua để làm gì chúng ta không bàn vì đó là việc của chủ đầu tư. Cũng có người choáng vì có công ty vừa thành lập, có công ty thì vốn nhỏ hơn nhiều so với tiền đấu giá. Vấn đề là sau cuộc đấu giá thành công rực rỡ này, thành phố có tiền rồi thì thành phố có nhớ đến những người dân Thủ Thiêm đang ngày đêm mòn mỏi trông mong được giải quyết các khiếu nại về đất đai 20 năm qua hay không?
Chuyện thứ ba là Phiên tòa xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Từ lâu, ai cũng biết công ty cung cấp độc quyền hóa chất Redoxy-3C cho Hà Nội là của con trai ông Chung. Thế nhưng, tại tòa ông dõng dạc tuyên bố: “Nếu tôi biết công ty (công ty Arktic) là của con trai tôi ngay từ đầu thì chắc chắn không bao giờ có chuyện Giang (Nguyễn Trường Giang giám đốc danh nghĩa công ty Arktic) bước được một chân vào nhà của tôi”. Đúng là “miệng quan…”!
Lan man như thế cũng đã dài, xin đi vào câu chuyện chính của ngày hôm nay. Metro Hà Nội có nên và có được quyền dùng hành khách làm chuột bạch thí nghiệm?
Câu chuyện thế này: Mới đây, trao đổi với báo chí về sự cố tàu mất tín hiệu vào ngày 7/12, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết đây chỉ là một sự cố diễn tập. Ông Trường cho biết thêm, sắp tới tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách. Nói như ông Trường thì hành khách sẽ còn đối mặt với 62 tình huống khẩn cấp theo khuyến cáo của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống ACT (Pháp).
Dư luận cho rằng, nếu tiếp tục có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước thì Metro Hà Nội đang định mang hành khách ra làm "chuột bạch" (!?).
Và nếu thật sự đây là tình huống diễn tập bất ngờ thì Metro Hà Nội đang đem tính mạng, sự an toàn, thời gian và công việc của người dân ra làm trò đùa. Bởi lẽ, không có luật nào cho phép thu tiền vé của hành khách rồi "bắt" diễn tập. Xin các vị trả lời cho dân được biết: Tại sao trước khi bán vé chạy chính thức không thuê tình nguyện viên lên ngồi tàu để tập duyệt sự cố để hoàn thiện mọi yêu cầu đảm bảo an toàn mà lại bắt hành khách phải làm “chuột bạch”?. Xin hỏi có luật nào cho phép Metro Hà Nội được phép làm thế không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường về tất cả những tổn thất trực tiếp và gián tiếp đối với hành khách như lỡ công việc, mất hợp đồng làm ăn, hay muộn giờ đến công sở và đặc biệt là di chứng tâm lý lâu dài do sự cố có thể gây ra?./.