Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là động lực để Indonesia xây dựng thương hiệu quốc gia

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia (In-đô-nê-xi-a) Airlangga Hartarto ngày 20/11 cho biết nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là động lực để nước này xây dựng thương hiệu quốc gia, với hy vọng có thể đưa đến sự đồng thuận giữa các nền kinh tế thành viên.
bali-07072020-20210920145810-1637469630.jpg
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết chính phủ nước này sẽ phân bổ 9.200 tỷ rupiah (645 triệu USD) từ ngân sách nhà nước năm 2022 để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch hậu đại dịch COVID-19.

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, quốc gia Đông Nam Á này muốn các nước hợp tác nhằm phục hồi nền kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững hơn. Ông Airlangga cho rằng thành công trong việc xử lý đại dịch và phục hồi kinh tế ở một quốc gia sẽ không kéo dài nếu không được nối tiếp bởi những thành công tương tự ở các quốc gia khác.

Thông qua G20, Indonesia có cơ hội khuyến khích các nỗ lực chung của thế giới nhằm hiện thực hóa các chính sách có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu một cách toàn diện. Đây là động lực để duy trì một Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trung lập, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong kỷ nguyên của châu Á. Sau G20, Indonesia cũng sẽ là Chủ tịch ASEAN 2023 và hiện nay ASEAN là khu vực khá ổn định, tăng trưởng cao.

Ông Airlangga cũng cho biết có ít nhất ba lợi ích lớn đối với Indonesia khi trở thành Chủ tịch G20 là lợi ích kinh tế, phát triển xã hội và chính trị.

Từ khía cạnh kinh tế, một số lợi ích trực tiếp dự kiến sẽ đạt được khi Indonesia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 bao gồm tăng tiêu dùng nội địa lên 1,7 nghìn tỷ rupiah, tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 7,4 nghìn tỷ rupiah và liên quan doanh nghiệp vừa và nhỏ và sẽ có khoảng 33.000 người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau.

Dự báo lợi ích kinh tế có thể đạt gấp 1,5-2 lần so với việc thực hiện các Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế-Nhóm Ngân hàng Thế giới 2018 tại Bali, khi dự kiến G20 sẽ có 150 cuộc họp trong năm tới, bao gồm các nhóm công tác, các nhóm cam kết, các cuộc họp, các Hội nghị cấp Bộ trưởng và G20, cũng như các sự kiện bên lề.

Chính phủ Indonesia có lộ trình và khuyến khích cơ sở hạ tầng số hóa, nhằm đưa dịch vụ thông tin liên lạc đến các khu vực xa xôi và giá cả phải chăng hơn để vượt qua khoảng cách kỹ thuật số. Nước này cũng sẽ thực hiện thí điểm quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm hỗ trợ tài chính, có thể được nhân rộng và đánh giá trước hội nghị thượng đỉnh G20 sau này.Indonesia sẽ cải cách cơ cấu thông qua Luật Tạo việc làm nhằm thu hút đầu tư.

Ngoài ra, nước này cũng sẽ phối hợp các chính sách góp phần vào quản trị toàn cầu cân bằng hơn, giúp G20 thích ứng hơn với các cuộc khủng hoảng và đấu tranh vì lợi ích quốc gia tại các diễn đàn toàn cầu./.

Đình Ánh (P/v TTXVN tại Jakarta