Nhan nhản vi phạm trật tự xây dựng ở Khu biệt thự Vườn Đào, Hà Nội

Quy hoạch đô thị đã nhiều lần được các chuyên gia cảnh báo với những hệ luỵ lâu dài, nhưng tình trạng phá vỡ quy hoạch vẫn diễn ra thường xuyên, trong đó tại Khu biệt thự Vườn Đào (Hà Nội) là một điển hình.
cong-trinh-xay-dung-1697160834.jpg
Căn nhà 32D5B tại Khu biệt thự Vườn Đào có chiều cao hơn nhà bên cạnh một tầng và một tum. Ảnh: Khánh Hà

Nhức nhối vi phạm

Chuyện "băm nát" quy hoạch ở Hà Nội không mới, nhiều dự án sau khi quy hoạch lại được các chủ đầu tư xin điều chỉnh, nhưng hầu hết các lần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án đều không được công khai. Nhiều dự án sau khi được phê duyệt đã “cắt xén” các không gian tiện ích công cộng trong quy hoạch ban đầu như vườn hoa, sân chơi, trạm y tế, sân luyện tập, chợ,... Thậm chí, quỹ đất cho các công trình trường học, diện tích cây xanh không đảm bảo theo phê duyệt, có dự án còn không có diện tích dành cho cây xanh.

Trong nửa đầu năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành phúc tra công tác quản lý đối với 4 quận Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, phát hiện số liệu báo cáo công tác quản lý trật tự xây dựng của UBND các quận không đúng với thực tế, nhiều công trình vi phạm không được báo cáo hoặc báo cáo không đúng thực tế vi phạm, hồ sơ quản lý trật tự xây dựng do các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quản lý chưa đầy đủ, chặt chẽ, nhiều công trình vi phạm không được thiết lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã sau khi tiến hành kiểm tra 8.728 công trình xây dựng cũng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm với 206 trường hợp.

Những sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng, tuỳ tiện điều chỉnh và vi phạm quy hoạch đô thị, không chỉ gây ra sự lộn xộn về mặt kiến trúc mà còn dẫn đến nhiều hệ luỵ về mặt xã hội, trong đó có tình trạng mất cân đối dân cư. Không gian sống tại nhiều nơi ở Hà Nội ngày càng trở nên ngột ngạt, gây tắc đường, ngập lụt, mất an toàn, an ninh…

Những bản quy hoạch phát triển đô thị được lập nên với tầm nhìn cho một Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng thực tế, những gì xảy ra sau đó lại trở thành “bi kịch” đối với quá trình phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến Hà Nội và nhiều đô thị khác rơi vào mớ bòng bong "Quy hoạch, rồi điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống, bộ mặt đô thị lộn xộn, nham nhở…".

vi-pham-trat-tu-xay-dung-1697161029.jpg
Một công trình xây dựng có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt. Ảnh: Khánh Hà

Quy định một đằng nhưng làm một nẻo

Thời gian gần đây, tại Khu biệt thự Vườn Đào, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ xuất hiện ngày càng nhiều những công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng như vượt tầng, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch... Công trình cũ chưa bị xử lý, công trình mới lại mọc lên như không hề có sự quản lý của chính quyền địa phương.

Trong bản quy hoạch phân khu đô thị khu vực Tây Hồ và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8/8/2014 đã quy định rõ về việc kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng cũng như phân vùng khống chế kiểm soát tầng cao và mật độ xây dựng đối với các khu chức năng như tầng cao nhà ở xây dựng tối đa 5 tầng, khu vực trong phạm vi 50 m kể từ kè hồ không xây dựng quá 3 tầng (cao không quá 12 m), không xây dựng công trình trong phạm vi 16 m kể từ mép kè hồ,…

Quy định là như vậy, nhưng theo phản ánh của người dân tại Khu biệt thự kiểu mẫu Vườn Đào xuất hiện nhiều công trình xây dựng sai phép, sai mật độ, tự ý thay đổi thiết kế, thay đổi cả quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trước đó. Nhiều công trình được xây dựng 6 tầng đồ sộ thay vì 3 tầng theo đúng quy hoạch, xây dựng biến tướng theo thiết kế riêng và chiều cao vượt phép… khiến khu đô thị trở nên xấu xí, nhếch nhác, thiếu tính đồng bộ.

Đơn cử như công trình số 32D5A đang được xây dựng với chiều cao lên tới 5 tầng +1 tum, mật độ xây dựng gần như toàn bộ diện tích. Hay tại công trình số 32D5B khu biệt thự Vườn Đào đang xây dựng với quy mô khủng được che kín, nhưng cao hơn hẳn so với công trình bên cạnh đến 2 tầng, mật độ xây dựng 100%.

Tiếp đến là công trình sát số nhà 50 lô D5B xây dựng nguy nga như một lâu đài tráng lệ với quy mô 6 tầng +1 hầm và tum, cao hơn hẳn so với các công trình xung quanh, mật độ xây dựng gần 100%. Tại công trình tại số 17D5A khu biệt thự Vườn Đào cũng có dấu hiệu vi phạm, khi đang được cho cải tạo nâng thêm tầng, tăng công năng sử dụng lên thành 5 tầng, mặc dù trước đó đã được xây dựng 4 tầng +1 tum.

Ngoài ra, còn nhiều công trình đã tự ý thay đổi thiết kế, xây dựng sai mật độ, phá vỡ quy hoạch. Các công trình này đều có thể dễ dàng quan sát từ những trục đường chính, nhưng chưa thấy chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước hàng loạt những sai phạm tại khu biệt thự Vườn Đào, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có hay không việc lơ là trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, mặc cho sai phạm xảy ra?

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Cán bộ trật tự xây dựng đô thị phường Phú Thượng: “Những nội dung thông tin người dân phản ánh tới cơ quan báo chí về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tại Khu biệt thự Vườn Đào, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo UBND phường và sẽ thông tin tới cơ quan báo chí sau”.

biet-thu-vuon-dao-1697160766.jpg
Tòa lâu đài "mọc" lên sừng sững giữa khu đô thị Vườn Đào. Ảnh Khánh Hà

Không để “trên nóng, dưới lạnh”

Để đưa công tác trật tự đô thị vào nề nếp, UBND thành phố Hà Nội nhiều lần ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này. Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự đô thị vẫn diến biến phức tạp, những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện. Tình trạng “ trên nóng, dưới lạnh” được minh chứng khá rõ qua việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương của phường Phú Thượng.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng sai phép, vượt phép. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để hoạt động vi phạm trật tự xây dựng tái diễn, kéo dài… nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở.

Khánh Hà