Nhận diện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục: Góc nhìn từ việc mua sắm trang thiết bị của Trường Đại học Công nghiệp TP HCM

Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Do đó khi hình thành các cơ sở đầu tư cho giáo dục cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tòa soạn tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận được những phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều vướng mắc, bấp cập cần tháo gỡ, xung quanh việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị tại gói thầu “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” của Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM có dấu hiệu đội giá.

Thời gian qua, việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị trong lĩnh vực giáo dục được nhiều cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng đội giá và dấy lên lo ngại về việc thiếu minh bạch trong công tác xây dựng dự toán, thẩm định giá.

Năm 2022, có rất nhiều lãnh đạo, cán bộ sở, ngành trong lĩnh vực giáo dục bị Cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam do vi phạm và có tiêu cực trong đấu thầu.

Theo hồ sơ nghiên cứu về gói thầu do Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư thời gian vừa qua, gói thầu này có dấu hiệu “loạn giá, thổi giá, đội giá, tiết kiệm thấp” khi sản phẩm có giá duyệt mua cao gấp nhiều lần giá đơn vị khác chào bán trên thị trường.

Cụ thể, Tại Quyết định số 66/QĐ-ĐHCN ngày 13/1/2022 do TS. Phạm Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP HCM đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” thuộc dự án “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” của Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoài Phương là đơn vị trúng thầu với giá 4.050.000.000 đồng ( Bằng chữ: Bốn tỷ không trăm năm mươi triệu đồng).

9cb24bb9-0320-467a-a966-1ec971451793-1676525634.jpg

Quyết định số 66/QĐ-ĐHCN ngày 13/01/2023 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thầu “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” thuộc dự án “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở gói thầu này với danh mục 02 sản phẩm thiết bị được mua. Qua rà soát thực tế, phóng viên Doanh nghiệp & Kinh tế xanh nhận thấy có sự bất thường khi ở mục sản phẩm máy chiếu thông minh có giá cao hơn so với một số công ty cung cấp, cụ thể:

Sản phẩm Máy chiếu đa năng kỹ thuật số BenQ EX600, Xuất xứ: Trung Quốc, có giá trúng thầu là 30 triệu đồng/chiếc, trong khi đó giá Công ty TNHH TM DV Bảo Tín cung cấp là 16.140.000 đồng/chiếc, chênh lệch khoảng 13.860.000 đồng/chiếc. Với số lượng 100 chiếc được mua thì chênh lệch khoảng 1.386.000.000 đồng.

d15fea8d-0bd0-4f3b-a0b6-28fbb0515600-1676525634.jpg

Đơn giá 02 sản phẩm trúng thầu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoài Phương tại gói thầu “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” thuộc dự án “Cung cấp thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy” của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Đấu thầu thực chất là quá trình lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra thuận lợi, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu trong đó có hành vi thông thầu và gian lận thầu. Đồng thời, xác lập các quy định về xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể như Luật Đấu thầu, các luật liên quan đến đấu thầu như Luật Giá, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết...
Tuy nhiên trong thời gian qua, đã xuất hiện nhiều tiêu cực, bất cập trong công tác đấu thầu, thực hiện các dự án. Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến những sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục tại Sở GD-ĐT tỉnh này, giai đoạn 2017-2019. 

Theo luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh - Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý.

Theo Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về cơ sở xác định giá gói thầu. Trong đó phải đảm bảo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”. Trường hợp giá mua sắm được duyệt cao hơn thị trường dẫn đến tổng mức gói thầu bị đội lên với con số chênh lệch hàng trăm triệu đồng thì cần thiết phải xem xét lại hồ sơ xây dựng giá gói thầu, nhất là cơ sở để xác định giá. Ngoài ra, một vấn đề khác cần làm rõ là “cơ sở nào để đưa các tiêu chí về cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng vào hồ sơ mời thầu?” đối với những loại hàng hóa thông thường, thông dụng có sẵn trên thị trường, và có hay không việc áp đặt các tiêu chí này để nhằm mục đích “cài thầu”? Điều này, có lẽ cần phải tổ chức thanh tra và kiểm tra toàn bộ quá trình từ xây dựng giá gói thầu đến thẩm định giá, thương thảo và lựa chọn nhà thầu… thì mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục được - Luật sư Diện nói thêm./.

Ngày 21/06/2019 Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5464/VPCP-CN về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2018 và lộ trình giai đoạn 2019 – 2025. Công văn nêu ý kiến chi đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sat chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, khôngbảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.
Theo khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020 – sau đây gọi là Luật Đấu thầu), đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Theo Điều 33 Luật Đấu thầu về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.
Khoản 16, khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định:
Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung. Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về giá gói thầu như sau:
- Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với sự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tình đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư.
Căn cứ lập và xác định giá gói thầu được quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cụ thể:
Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:
- Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 03 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá;
- Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loạt tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);
- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;
- Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;
- Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

 

Hoàng Hà - Hoàng Thăng