Tất cả những điều này bạn sẽ nhận thấy khi bước vào thế giới truyện đọc 60s của tác giả Lê Đức Quang.
Một phút suy ngẫm - Truyện đọc 60s của tác giả Lê Đức Quang là những câu chuyện, những tình huống nhắc nhở chúng ta hãy cẩn trọng trong đời sống hiện thực của mình, đừng để nhiều việc đến lúc xảy ra rồi mới hối hận; đừng vội vàng phán xét người khác khi chúng ta chưa biết rõ mọi việc; cuộc sống vẫn còn rất nhiều người tốt, nhiều tấm lòng cao cả với những tình cảm gia đình, anh em ruột thịt thiêng liêng.
Hãy cẩn trọng giữ đời sống mình đừng để khi mọi việc đã quá muộn rồi mới hối hận giống như anh thanh niên nọ thích đi chơi với bạn bè, thích đi nhậu nhẹt. Có những lúc ba nhờ đưa đi ăn giỗ, đi khám bệnh anh đều nhận lời nhưng lại quên mất vì ham chơi. Sau này, khi ba mất anh mới hối hận nhớ lại những gì ba làm cho mình và những sự vô tín của mình. Anh thèm được đưa ba đi, nhưng “mộ ba đã xanh cỏ” - Nhong Nhong Ba Làm Con Ngựa. Giống như cậu học trò nghèo năm nào thường xuyên được bác bảo vệ trường giúp đỡ. Lớn lên, anh có công ăn việc làm, có điều kiện muốn quay trở cảm ơn bác nhưng vì bận rộn, vì những khất lần khất lượt. Tới lúc anh về thì bác đã mất được một năm rồi - Người Gác Cổng.
Nếu chúng ta không kỷ luật bản thân, không cẩn trọng, rất dễ giống như đứa con trai nọ. Lúc đi học, thấy ba mẹ vất vả, anh đã tự hứa với mình sẽ cố gắng để sau này đi làm giúp đỡ cho gia đình. Nhiều lần hứa, rồi nhiều lần thất hứa. Cho đến lúc anh ra trường, anh đi làm, anh có vợ con, anh của hiện tại vẫn chưa làm được - Lời hứa. Điều này cũng giống như một anh chàng kia, luôn luôn bận rộn với công việc, với gia đình. Một ngày nọ anh nhìn thấy một bà lão đáng thương bên đường, muốn làm việc tốt nhưng đèn đường vừa chuyển sang màu xanh anh phải đi tiếp nên hẹn lần sau sẽ giúp bà. Lần sau lại vì ngược đường, lần sau nữa lại vì lười biếng. Khi anh có thể dừng lại thì không còn thấy bà lão đâu nữa. Anh hỏi người đi đường thì người ta bảo: “Cả tháng nay không thấy, chắc chết rồi!”- Sống Chậm
Đừng vội vàng phán xét ai khi chúng ta chưa biết rõ mọi việc. Thật vậy, chúng ta rất dễ dàng đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình giống như những cậu sinh viên làm công tác cứu trợ nọ, khi nhìn thấy một cậu bé đánh giày nghèo, rách rưới đi qua đi lại thì trong lòng khó chịu, bàn với nhau phải cảnh giác, coi chừng nó móc túi. Rồi suy nghĩ “chỉ cần mày đụng vào túi tiền của bà con, đừng hòng thoát khỏi tay của hai ông, võ sĩ đai đen của trường đó, nghen “con”...”. Nhưng không ngờ sau đó, cậu bé tiến đến và nói rất muốn được quyên góp nhưng chỉ có 1000đ nên cứ quanh quẩn xung quanh đây không dám tiến lên quyên góp. Khi đủ can đảm tiến lên thì em đáp lí nhí “Dạ, em sợ bỏ tiền ít, mấy anh la...” - Cứu Trợ. Quả là vậy, “Người hay phán xét chẳng hiểu biết gì”.
Cuộc sống không dễ dàng nhưng cũng không quá khó cho chúng ta nếu chúng ta biết nhìn mọi việc, mọi tình huống bằng con mắt yêu thương, bằng tấm lòng rộng lượng, khiêm nhường, chúng ta sẽ thấy cuộc sống đẹp biết bao, cuộc sống đầy bất ngờ và cảm động biết bao. Cuộc sống giống Như một Giấc Mơ - câu chuyện về một cô gái, từ khi lấy chồng, có con rất hay quên. Một lần chị đi rút tiền chỉ lấy thẻ quên không lấy tiền và biên lai. Sau đó lại có người lạ mặt mang đến tận nhà gọi ra lấy. Chị cũng không dám tin lại có người tốt như thế, nhưng đó là sự thật. Rồi cuộc sống cũng có những con người luôn biết nghĩ cho người khác, vì người khác như câu chuyện Nhầm của một anh là bác sỹ nọ. Anh mở phòng khám riêng. Một lần thấy một ông lão khó khăn, anh cảm động nên cố tình gọi ông lại trả một nửa số tiền thuốc rồi nói khi nãy mình tính nhầm. Lại có những người bề ngoài nhìn biểu hiện tưởng là Vô Tình nhưng thực chất lại là có tình cảm hơn ai hết như câu chuyện anh chàng kia cùng bạn gái đi thăm trại trẻ mồ côi. Anh không thể hiện tình cảm, không bồng bế các em nhỏ. Người bạn gái thấy vậy nghĩ anh vô tình nên cũng dần xa cách anh rồi chia tay. Sau này, khi cả hai ổn định gia đình, gặp lại cô mới biết: “Hồi nhỏ ở trại trẻ mồ côi, anh là một em bé xấu xí. Mỗi lần các nhà hảo tâm đến thăm, anh và mấy em khác hay chạy quanh đòi bế. Nhưng người ta chỉ chọn bế và hôn những em bé xinh đẹp thôi, còn anh không được bế một lần. Anh rất buồn! Vì vậy sau này lớn lên, mỗi lần về thăm “gia đình mình”, mặc dù rất muốn hôn các em, nhưng anh sợ mấy em còn lại buồn, tủi thân!” …
Cũng có những câu chuyện tình cảm gia đình, anh em gắn bó, tình cảm của ông, của bà, của bố, của mẹ,… những người luôn sẵn lòng hy sinh cho anh em, gia đình. Nếu chúng ta vô tình, vô cảm hoặc thiếu chút tinh tế có thể sẽ bỏ qua đi rất nhiều tình cảm ấy. Giống như câu chuyện Nỗi Lòng Người Ba - một người ba luôn bận rộn công việc, ít ở nhà. Mọi việc trong nhà đều do một tay mẹ làm. Anh từng oán trách ba, không hiểu vì sao ba lại không gần gũi như ba của mấy đứa bạn mình,… Sau khi cha mất, anh lớn lên, bước tiếp con đường của cha anh mới biết, hóa ra lúc đi làm, lúc rời xa gia đình cha anh đã từng nhớ gia đình, từng “nhớ vợ, nhớ con, thèm khát được đưa con đi học, chỉ con học bài…” như thế nào…
102 câu chuyện là 102 tình huống. Mỗi một tình huống, một câu chuyện đều đáng để suy ngẫm và xem xét. Ở đây, tôi không thể sử dụng ngôn từ hạn hẹp của mình để nói được hết những tình huống ấy. Nhưng bạn hãy dừng lại một chút, suy ngẫm một chút, sống chậm một chút và đón đọc Một phút suy ngẫm của Lê Đức Quang để được trải nghiệm những điều tuyệt vời.
Đó là những nhắc nhở hay, thiết thực cho ta trong cuộc sống.