Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, cổ phiếu đấu giá của doanh nghiệp đắt hàng hay ế ẩm tùy thuộc vào yếu tố số lượng chào bán có nhiều hay không, mức giá đấu và độ hấp dẫn của các doanh nghiệp này.
Vấn đề ở đây là một số doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn dẫn tới đưa ra giá khởi điểm cao. Đơn cử, như trường hợp Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) bán đấu giá bán đấu giá cổ phần LPB nhưng bị ế.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, dù đã hết hạn đặt mua cổ phiếu LPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) bán đấu giá, nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 800 cổ phần, thấp hơn rất nhiều so với tổng số gần 122,2 triệu cổ phần được VNPost đưa ra đấu giá.
Thực tế cho thấy, với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cổ phần, cao hơn cao hơn nhiều so với giá khớp lệnh trên sàn. Trong thời gian nhà đầu tư đăng ký và nộp tiền đặt cọc kéo dài từ ngày 25/1 đến 16/2, giá cổ phiếu LPB chỉ dao động trong khoảng 23.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu.
Cuối phiên giao dịch sáng 23/2, thị giá LPB vẫn chỉ dừng ở mức 23.150 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm đấu giá cổ phiếu LPB của VNPost cao hơn giá giao dịch trên sàn hiện nay tới hơn gần 25%.
Cổ phiếu LPB biến động mạnh giai đoạn giữa năm ngoái khi liên tiếp xuất hiện các thông tin ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) tham gia vào Hội đồng quản trị LienVietPostBank, rồi làm Phó chủ tịch, đăng ký mua thêm cổ phiếu nhà băng này.
Trước đó, cổ phiếu này đã tăng từ vùng giá dưới 15.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2021, lên mức đỉnh 30.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6/2021. Tuy nhiên, kể từ ngày 7/6/2021 đến nay, LPB đều giao dịch với giá thấp hơn so với mức giá đấu khởi điểm mà doanh nghiệp đưa ra.
Ở góc độ nhà đầu tư, anh Phạm Văn Mạnh chia sẻ, lượng hàng trên sàn rất nhiều, hơn nữa giai đoạn hiện nay thị trường chứng khoán biến động khá thất thường bởi hàng loạt sự kiện như căng thẳng giữa Nga và Ukraine; hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất để giảm lạm phát. Tuy nhiên, các tổ chức đấu giá lại lấy giá khởi điểm cao hơn cả giá khớp lệnh trên thị trường thì rõ ràng chỉ cần bỏ thời gian canh giá trên sàn để mua vào sẽ lợi hơn nhiều.
Trong khi đó, phải hàng tháng sau cổ phiếu mua được từ đợt đấu giá mới về tài khoản của người mua. Trong khi, xu hướng diễn biến thị trường không mấy không mấy tích cực, mức giá chào bán cao khiến các phiên đấu giá thu hút được ít nhà đầu tư tham gia, thậm chí phải hủy bỏ phiên đấu giá do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua cổ phiếu.
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, chỉ có 4 nhà đầu tư trong nước đăng ký tham gia mua cổ phiếu ra công chúng của Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Bình Dương - Becamex TDC (mã chứng khoán: TDC) với khối lượng 50.000 đơn vị.
Phiên đấu giá này ế nặng do chỉ khối lượng đặt mua chỉ 50.000 đơn vị, bằng 0,14% khối lượng chào bán. Giá đầu bình quân chỉ bằng với giá khởi điểm 27.900 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, doanh nghiệp thông báo chào bán 35 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá khởi điểm 27.900 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào 9 giờ sáng ngày 22/2. Sau khi thông tin được HOSE công bố vào ngày 16/2, cổ phiếu TDC đã giảm giá từ 26.000 đồng/cổ phiếu xuống 24.400 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/2, TCD cũng chỉ có giá 23.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với mức giá khởi điểm đấu giá tới gần 15%.
Thậm chí, HOSE cũng vừa có thông báo hủy bán đấu giá lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần Xây dựng và Đô thị Châu Đức do không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá.
Tuy nhiên, vẫn có những phiên đấu giá thu hút được đông đảo số lượng nhà đầu tư tham gia và doanh nghiệp bán hết lượng được lượng cổ phần chào bán.
Đơn cử, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa Picomat tổ chức ngày 22/2. Picomat đưa ra đấu giá 2,7 triệu cổ phần, tương ứng 15,52% trên tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá có tới 120 nhà đầu tư tham gia; trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức. Tổng số lượng đăng ký mua gần 3,1 triệu cổ phần. Giá đặt mua dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/cổ phần.
Kết quả, có tới 115 nhà đầu tư cá nhân đã trúng giá. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt 29,4 tỷ đồng, tương ứng mức giá bình quân 10.934 đồng/cổ phần.
Ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp Công ty Chứng khoán MB - MBS cho rằng, ngoài lý do giá khởi điểm của các đợt đấu giá quá cao khiến cho các đợt đấu giá bị ế ẩm nghiêm trọng, nguyên nhân chủ chốt khác khiến các nhà đầu tư không hứng thú là cổ phiếu chưa đáp ứng được nhu cầu về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư. Thực tế, nhiều nhà đầu tư muốn mua nhiều hơn để sở hữu cổ phần chi phối.
Lấy ví dụ thực tế, ông Định cho rằng như trường hợp của LPB, mức giá 28.930 đồng/cổ phiếu không phải cao nếu nhà đầu tư thông qua phiên đấu giá gom đủ tỷ lệ cổ phần để nắm quyền chi phối, phủ quyết với những quyết định quan trọng của doanh nghiệp, ông Định nêu quan điểm./.