Nguồn cung rau quả vẫn khá dồi dào trong 8 tháng năm 2024

Thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong tháng 8 vừa qua đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch và chất lượng một số loại rau quả như: thanh long, xoài, nhãn, na, mít… Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2024, nguồn cung rau quả nhìn chung vẫn khá dồi dào.
mo-hinh-trong-rau-sach-1-1726127650.jpg
Nguồn cung rau quả vẫn khá dồi dào trong 8 tháng năm 2024. (Ảnh minh họa)

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả tiếp đà tăng trưởng khả quan với nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Dự báo sang quý IV/2024, xuất khẩu rau quả sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại, các Nghị định thư.

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng năm 2024 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đứng thứ hai là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch trong 7 tháng năm 2024 đạt 189,4 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 4,9%.

Tiếp theo là xuất khẩu tới Thái Lan với kim ngạch đạt 122,2 triệu USD, tăng 70,1% so với 7 tháng năm 2023 và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU trong 7 tháng năm 2024 đạt 138,5 triệu USD, tăng 3,2% so cùng kỳ năm 2023 và chiếm 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Nhìn chung xuất khẩu rau quả sang các thị trường đều tăng trưởng trên hai con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới thị trường Thái Lan, Hàn Quốc (tăng 51,1%), Đức (tăng 118,7%) và Canada (tăng 56,1%). Riêng xuất khẩu sang Ý và Hà Lan giảm nhẹ, lần lượt giảm 12,6% và 23,9% so với 7 tháng năm 2023.

Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hai Nghị định thư cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, hiệu lực từ 19/8/2024. Các Nghị định thư này sẽ là yếu tố mới thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam, bên cạnh nhu cầu rau quả của thị trường thế giới cũng gia tăng vào quý cuối năm, nhất là đối với mặt hàng sầu riêng và dừa sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2024, dự báo xuất khẩu sầu riêng có thể tăng lên hơn 3,2 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2023. Tương tự, xuất khẩu dừa tươi có thể tăng 50% so với năm 2023 lên khoảng 200 triệu USD trong năm 2024. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự báo đạt trên 6,5 – 6,6 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2023.

thanhlong-1726127650.jpg
Ước tính sản lượng thanh long trong tháng 8 đạt khoảng 59,7 nghìn tấn. (Ảnh minh họa)

Về nguồn cung, trong tháng 8/2024, một số loại trái cây chủ lực giảm sản lượng thu hoạch so với tháng 7/2024, trừ sầu riêng và nhãn. Thị trường trái cây sôi động hơn trong dịp Rằm tháng 7 vừa qua, nhưng nhìn chung giá các loại trái cây chỉ tăng cục bộ những ngày cận Rằm, sau đó đã giảm trở lại.

Cụ thể, đối với mặt hàng thanh long, trong tháng 8/2024, thanh long tiếp tục cho thu hoạch vụ thuận, tuy nhiên, sản lượng thu hoạch đã giảm dần khi gần vào cuối vụ, cộng với thời tiết mưa nhiều làm giảm chất lượng quả. Ước tính sản lượng thanh long trong tháng 8 đạt khoảng 59,7 nghìn tấn, giảm 38 nghìn tấn so với tháng trước đó.

Còn ở mặt hàng sầu riêng, háng 8/2024 là thời điểm thu hoạch rộ sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; trong khi sản lượng sầu riêng ở tỉnh vùng ĐBSCL giảm dần khi vào cuối vụ thuận. Sản lượng sầu riêng thu hoạch trong tháng 8/2024 ước đạt 222,5 nghìn tấn, tăng 105,8 nghìn tấn so với tháng 7/2024.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, dù thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong tháng 8 vừa qua đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch và chất lượng một số loại rau quả như: thanh long, xoài, nhãn, na, mít… Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2024, nguồn cung rau quả nhìn chung vẫn khá dồi dào khi sản lượng sầu riêng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; ổi tăng 5,5%; mít tăng 3,8%; chanh leo tăng 3,2%; cam tăng 2,4%; riêng thanh long giảm hơn 6%.

Ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 7 - 7,5 tỷ USD, kỳ vọng này được đánh giá sẽ cán đích. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương có nhóm rau quả chủ lực xuất khẩu cần quy hoạch và duy trì vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu từ gieo trồng đến sơ chế, chế biến, trong đó tập trung liên kết phát triển các chuỗi sản xuất. Bởi, chỉ khi nguồn cung ổn định, chất lượng bảo đảm thì bài toán xuất khẩu, thị trường mới được bảo đảm.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu đối với ngành hàng rau quả. Bộ cũng sẽ phối hợp Bộ Công Thương và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật quy định, tiêu chuẩn mới từ phía thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh việc tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững, trong đó có rau quả./.

Hương Lan