Nghi Sơn – Vùng “rốn” thu hút đầu tư của Thanh Hóa

Là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, Nghi Sơn (Thanh Hóa) được ví như vùng “rốn” thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó đưa xứ Thanh vươn lên Top đầu cả nước về thu hút đầu tư.
kinh-te-nghi-son-1708338177.jpg
Một góc của Khu kinh tế Nghi Sơn

"Đầu tàu" thu hút đầu tư của xứ Thanh

Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập năm 2006 với diện tích 18.611,8 ha, nằm trên địa bàn 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia. Năm 2015 tiếp tục được điều chỉnh mở rộng lên 106.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích của huyện Tĩnh Gia và 6 xã thuộc huyện Nông Cống và Như Thanh.

Với mong muốn hợp tác cùng phát triển, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói chung, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN) nói riêng luôn sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp từ lúc bắt đầu tìm hiểu đến khi triển khai xây dựng cũng như xuyên suốt quá trình hoạt động.

Đây là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm được Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư, có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Với các dự án trọng điểm, có tác động đòn bẩy phát triển như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, cảng biển nước sâu Nghi Sơn và nhiều dự án khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có hơn 156 dự án đầu tư đến từ 20 quốc gia trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 14,7 tỷ USD. Với kết quả này, đưa xứ Thanh vươn lên thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

thu-tuong-tham-va-lam-viec-1708338403.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Trong đó phải kể đến Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn... là những công trình có nguồn vốn FDI. Các dự án này đi vào vận hành không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn, đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo sức lan tỏa cho hoạt động đầu tư nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động.

Trong 3 năm trở lại đây, tổng số nguồn vốn các dự án vào KKT Nghi Sơn, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn khoảng 4.747 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng trong nhóm dẫn đầu của cả nước, như sản phẩm lọc hóa dầu, xi măng, thép...

Hiện đã có 14/21 khu vực cảng tổng hợp hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT giảm tải; 7/21 bến cảng còn lại nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai xây dựng theo quy hoạch,…

Ngoài ra, KKTNS đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 35.000 lao động, đặc biệt, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Mở rộng đối tác, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng

Để sớm xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã đang và tiếp tục làm việc với nhiều tổ chức Quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh. Ngoài những đối tác truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,… Những năm qua tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Hoa Kỳ, Nga, một số quốc gia châu Âu khác.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ nỗ lực tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư dừng chân. Hạn chế tối thiểu các khâu giải quyết thủ tục hành chính, để tiến độ thi công được triển khai nhanh nhất có thể.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, hiện Ban đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để quảng bá hình ảnh, tiềm năng và các cơ hội đầu tư. Tiếp tục làm việc, gắn kết mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô-oét, Đài Loan. Đồng thời cũng mở rộng tìm kiếm  các đối tác tiềm năng mới như Nga, Hoa Kỳ, các nước châu Âu,…

Bên cạnh đó, Ban sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để mở rộng quy mô, công suất hoạt động. Giải quyết các vướng mắc về quy hoạch tại các KCN, cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của một số dự án tại KKT Nghi Sơn, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và lực hút cho hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư FDI.

Tỉnh Thanh Hóa cam kết mục tiêu duy nhất là đẩy nhanh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện đúng mục tiêu duy nhất mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra”.

Với sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc khắc phục những khó khăn hạn chế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để (KKTNS) trở thành điểm “dừng chân” lý tưởng của các nhà đầu tư.  Qua đó sớm đưa Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD giai đoạn 2025 – 2030. Qua đó đưa xứ Thanh thành một cực tăng trưởng mới, là tỉnh kiểu mẫu theo lời dạy của Bác Hồ./.

Hà Khải