Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trên địa bàn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, tổ chức khoanh vùng, xác định cụ thể các diện tích cây trồng có nguy cơ ngập, úng; tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, bảo đảm hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Xác định công trình trọng điểm có nguy cơ mất an toàn để chuẩn bị cụ thể phương án bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước.
Thường xuyên tranh thủ vận hành công trình thủy lợi hạ thấp mực nước trong hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng để gia tăng khả năng trữ nước, giảm nguy cơ ngập lụt, úng trên ruộng; vận hành tối đa công trình thủy lợi khi xảy ra mưa lớn để tiêu úng. Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; với các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; bố trí nhân lực thường trực tại công trình, thường xuyên kiểm tra an toàn công trình, kịp thời phát hiện, xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân, nhà nước. Thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng của Cục Thủy lợi./.