Ngày xuân với “Nam thiên đệ nhất động”

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, thờ tín ngưỡng của một nền văn minh lúa nước.
ha-noi-du-kien-mo-cua-pho-di-bo-quanh-ho-guom-tu-12-3-don-khach-toi-chua-huong-tu-13-3-1615290266-1675475693.jpg

Cách Hà Nội khoảng 60 km, qua Hà Đông theo trục Quốc lộ 21B đến huyện Mỹ Đức du khách sẽ được người dân bản địa hướng dẫn xuống bến Đục. Từ đây, du khách xuôi đò theo dòng suối Yến tới đền Trình. Ngôi đền nằm ở cạnh sườn một quả núi có năm ngọn nên người địa phương còn gọi bằng một cái tên khác là đền Ngũ Nhạc. Sau đó, du khách tiếp tục đi đò để tới chùa Thiên Trù, động Hương Tích. Từ xưa, nơi đây đã được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam).

Hằng năm, mỗi độ xuân về khi hoa mơ nở trắng rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương về một miền đất Phật, nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu “Phật tích”.

Theo thuyết phong thủy, dãy núi Ngũ nhạc có hình thế một con rồng lớn, dáng núi uy nghiêm, minh đường tụ thủy, sinh khí trường tồn, từ xa xưa dân thôn đã dựng ở đầu dãy núi một ngôi đền nhỏ để thờ một vị thần Tướng đã góp công đánh giặc Ân phò Vua Hùng Huy Vương thứ VI. Khách hành hương thường dừng chân vài phút để ghé vào thắp hương, trình lễ với sơn thần. Dòng suối Yến ở chùa Hương mang một vẻ đẹp hiền hòa, lững lờ giữa hai triền núi. Suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh, cho ta cảm giác như dòng suối này dài vô tận. theo dòng suối Yến, du khách có thể thư thái thả hồn mình hòa quyện cùng sông, núi trập trùng, bát ngát.

Chùa Thiên Trù còn có tên gọi là chùa Trò, trước đây chỉ là một thảo am nhỏ. Trong kháng chiến chống Pháp chùa đã bị phá huỷ. Sau năm 1954 chùa được xây dựng lại. Năm 1991, Tam bảo Thiên Trù được xây dựng lại to đẹp như ngày nay. Bên phải chùa là vườn tháp, nơi cất giữ xá lị của các vị Tổ sư quy tịch tại đây. Khi đến chùa Hương, điều ta có thể cảm nhận thấy rõ nhất không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động… làm xao động tâm thức con người. Vào trong động du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công trình điêu khắc tuyệt vời của thiên nhiên. Nhũ đá có khối to, khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên với những tên gọi khác nhau như Cây Vàng, Cây Bạc, Đụn Gạo, Núi cô, Núi cậu, Bầu Sữa Mẹ,... Trẩy hội chùa Hương chính là sự giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là khát vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người, của văn hóa Việt Nam.

Hương Sơn là báu vật của quốc gia, tự nhiên, lịch sử, văn hóa, di tích…đã trở nên một quần thể du lịch kỳ thú. Đến đây ta cảm nhận được bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, với nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Từ lâu Hương Sơn được du khách trong và ngoài nước biết đến với lễ hội Chùa Hương, một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất Việt Nam cùng hệ thống các công trình kiến trúc phật giáo kết hợp hài hòa với những cảnh sắc thiên nhiên tạo nên một khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch ở Hương Sơn phát triển rất mạnh đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở Hương Sơn nói riêng và huyện Mỹ Đức nói chung. Tuy vậy, sự phát triển đang dần bộc lộ ra những bất cập trong công tác quản lý như việc xây dựng đền, chùa trái phép, ô nhiễm môi trường, dịch vụ, hàng quán phát triển tự phát, hoạt động thuyền đò thiếu tổ chức... những mặt yếu đó đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững Hương Sơn và đặt ra vấn đề cần có giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch và kinh tế tại khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn - Huyện Mỹ Đức - Thành phố Hà Nội.

chua-huong-1-1675475736.jpg

Với những đòi hỏi ngày càng cao về sản phẩm du lịch, trên cơ sở điều kiện hạ tầng sẵn có của mình, khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn - Huyện Mỹ Đức - Thành phố Hà Nội cũng cần phải có bước đi cụ thể trong việc phát triển dịch vụ du lịch tại đây, với tổng diện tích tự nhiên là 8.328ha và hệ thống núi non, sông, suối, đền, chùa. Hương Sơn được coi là khu du lịch nghiên cứu, khám phá và tâm linh quốc gia trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam.

Và như thế, Hương Sơn đang đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng không chỉ của huyện Mỹ Đức mà còn đối với thành phố Hà Nội. Để thực sự trở thành quần thể du lịch có thương hiệu cần

Thứ nhất, định hướng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa hòa trong xu thế phát triển chính của du lịch thế giới. Nhằm thỏa mãn nhu cầu khám phá các khu vực có nền văn hóa độc đáo, lâu đời, hệ sinh thái đa dạng.

Thứ hai, đối với phạm vi quốc gia, việc Tổng cục Du lịch đưa Hương Sơn vào danh mục các điểm du lịch chuyên đề quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam và Hương Sơn đang nhận được khá nhiều nguồn hỗ trợ đầu tư cho các chương trình cải tạo hạ tầng cơ sở như nâng cấp cải tạo bến xe, nạo vét suối Yến.

Tài nguyên du lịch phong phú là cơ sở để Hương Sơn phát triển nhanh chóng, hiệu quả và bền vững. hướng phát triển du lịch ở Hương Sơn - Quan Sơn sẽ tập trung phát triển du lịch lễ hội tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái. Đồng thời phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch mới như thể thao leo núi, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nghỉ cuối tuần… nhằm khai thác tiềm năng đa dạng của Hương Sơn bên cạnh sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống.

Mỹ Đức là huyện có xuất phát điểm kinh tế khó khăn hơn so với mức trung bình của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Hương Sơn là vùng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các lễ tục và nếp sống thuần Việt, là một trong những chiếc nôi văn hóa và tâm linh truyền thống. Nổi bật là lễ hội chùa Hương không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà thu hút cả du khách nước ngoài. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện Mỹ Đức đã xác định tập trung đầu tư phát triển dịch vụ du lịch là một hướng đi quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Hương Sơn và hồ Quan Sơn là hai điểm nhấn du lịch quan trọng nhất của huyện Mỹ Đức.

z3919138597107-fdcfc21cb7466f479b3089ced2297f68-5-1675476069.jpg

Như vậy có thể thấy, trong điều kiện du lịch được coi là ngành kinh tế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội lãnh đạo huyện Mỹ Đức đã nhận thức được tiềm năng du lịch của địa phương cũng như vai trò vị trí của nó làm động lực phát triển kinh tế xã hội của huyện. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi không nhỏ đối với sự phát triển các hoạt động du lịch ở Hương Sơn.

Người dân Hương Sơn đã có ý thức về những cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh cùng nguồn thu nhập mà du lịch đem lại vấn đề là nhân dân bản địa phải thay đổi nhận thức khắc phục khuynh hướng chỉ chú ý khai thác một cách đơn thuần các tài nguyên du lịch mà phải tính sâu, tính xa hơn và như thế có nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tìm ra phương pháp phát triển tối ưu.

Chỉ khi nào họ phải thấy được phát triển du lịch bền vững là một xu thế tất yếu để tiếp tục duy trì danh tiếng, sức hấp dẫn của điểm du lịch và cũng chính là duy trì cuộc sống của họ. Nếu không tất cả nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, của chính quyền địa phương sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn hay nói cách khác bản thân nhân dân Hương Sơn là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình nâng cao nhận thức về du lịch để Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn phát triển bền vững. Các cơ quan quản lý nhà nước như: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Ủy ban nhân dân Huyện Mỹ Đức, Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn, Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn phải có những biện pháp hữu hiệu để xây dựng thương hiệu quần thể du lịch.

Trong những năm qua ở Hương Sơn, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra các hiện tượng mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy tỷ lệ nghiện hút và một số tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng lên trong một vài năm gần đây nhưng với những nỗ lực của các cấp chính quyền các yếu tố tiêu cực này đã được hạn chế một cách tối đa. Đây có thể coi là một trong những điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển. Tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, hầu như tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đều do nhân dân địa phương thực hiện, do đó vai trò của nhân dân địa phương đối với sự phát triển du lịch càng quan trọng hơn. Thực tế những năm qua đã cho thấy, nhân dân Hương Sơn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh du lịch, các dịch vụ ở đây đáp ứng được phần nào nhu cầu của khách du lịch nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là chính cư dân bản địa cũng phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển thiếu bền vững của du lịch Hương Sơn.

Như vậy xét về đặc trưng văn hoá, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn vẫn mang những đặc trưng của nông thôn Việt Nam, tuy nhiên môi trường văn hoá xã hội của khu vực bắt đầu chịu những tác động tiêu cực do sự phát triển du lịch trong thời gian qua mang lại. Số lượng nhân dân địa phương tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch khá lớn nhưng nhận thức về du lịch cũng như trình độ chuyên nghiệp của lực lượng lao động còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của du lịch ở Hương Sơn. Đời sống tinh thần của nhân dân địa phương còn nghèo nàn do thiếu các hình thức sinh hoạt cộng đồng, thiếu các cơ sở văn hoá và vui chơi giải trí.

du-lich-chua-huong-2020-3-1675475809.jpg

Hoạt động du lịch ở Hương Sơn đã mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội quan trọng cho cộng đồng cư dân ở đây thông qua các cơ hội về việc làm, những điều kiện để nâng cao trình độ nhận thức, những kỹ năng thiết yếu về nghề nghiệp và quan trọng nhất là nó nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương góp phần ổn định môi trường xã hội. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề phải đặt ra:

- Hoạt động du lịch tại điểm đến du lịch Hương Sơn bị ảnh hưởng nhiều do tính mùa vụ, lượng khách dồn nhiều vào thời gian lễ hội, từ tháng 4 âm lịch trở đi hầu như không có khách.

- Doanh thu tại điểm đến du lịch Hương Sơn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế xã hội huyện Mỹ Đức, song chủ yếu là doanh thu từ khách nội địa, tỷ lệ doanh thu từ khách quốc tế còn rất ít.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn, chất lượng phục vụ còn thấp và chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch còn đơn điệu và ít hấp dẫn nên số lượng khách du lịch quốc tế đến Hương Sơn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của Hương Sơn, ngày lưu trú của khách rất ngắn dẫn đến doanh thu từ dịch vụ lưu trú cũng thấp.

- Tình trạng xây dựng các công trình và kiôt bán hàng còn tràn lan, mang tính chất tự phát chưa theo quy hoạch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan và trật tự an ninh trong khu vực.

- Đội ngũ cán bộ - công nhân viên trong ngành du lịch còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ. Sự nhận thức của cộng đồng dân cư chưa cao.

- Bộ máy tổ chức quản lý hoạt động thiếu đồng bộ và chưa đạt hiệu quả cao.

Nhận thức rõ xu hướng phát triển du lịch của thời đại. Phát triển du lịch phải đạt hiệu quả về nhiều mặt, kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển du lịch của thế giới. Quan điểm này cần được xuyên suốt trong qui hoạch phát triển khu du lịch Hương Sơn vì đây là một địa bàn quan trọng về kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và môi trường của Hương Sơn. Vì vậy phát triển du lịch ở Hương Sơn nói riêng và Hà Nội nói chung là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội. Chính vì vậy trong quá trình quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cần phải có sự thống nhất cao và phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và tổ chức xã hội địa phương.

Trong khi đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì việc kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước cũng như từ nước ngoài để đa dạng hóa sản phẩm sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Các lĩnh vực mà Thành phố cần chú ý khuyến khích đầu tư là: cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, dịch vụ du lịch, kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra các sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn hơn.

z3919138599489-63b9ef3ef8a4837da764ae1183257003-5-1675475926.jpg

Đây là một giải pháp quan trọng là cơ sở cho việc phát triển khu du lịch Hương Sơn trong tương lai. Qua đó, bố trí, sắp xếp các nguồn nhân lực tương ứng theo thời gian và không gian để thực hiện các mục tiêu được đặt ra. Trước mắt:

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch thông qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác này, xác định được các giải pháp phát triển và các biện pháp thực hiện đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Phổ biến rộng rãi những quy chuẩn bắt buộc phải tuân theo trong việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch là biện pháp nhằm mục đích nâng cao chất lượng quy hoạch. Phát triển Du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2025, Thắng cảnh Hương Sơn với hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng kết hợp với phong cảnh thiên nhiên rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trong đó nổi bật nhất chính là lễ hội chùa Hương kéo dài hơn 3 tháng thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm.

Với thế mạnh “ít nơi có được” chắc chắn khu di tích thắng cảnh Hương Sơn sẽ trở thành một vùng du lịch mang thương hiệu mạnh trong tương lai của cả nước. Vấn đề là quản lý, phát triển như thế nào cho phù hợp để tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng và con người đã tạo dựng nhiều đời vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng./.

Mai Thành Công