Tại đại hội, 8 vấn đề được thông qua gồm: (1) Kết quả hoạt động năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024; (2) Báo cáo của Ban kiểm soát; (3) Báo cáo tài chính; (4) Phân phối lợi nhuận năm 2023, kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2024; (5) Tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phần phổ thông; (6) Mức thù lao và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2024. (7) Bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ; và (8) Sửa đổi, bổ sung Quy chế quản trị nội bộ.
Các chỉ tiêu tài chính-tín dụng chủ yếu của năm 2024 gồm có: Lợi nhuận trước thuế là 22.000 tỷ đồng, Tổng tài sản dự kiến tăng 12 %, lên 805 nghìn tỷ đồng, Huy động vốn (gồm giấy tờ có giá) dự kiến tăng 11%, Tín dụng dự kiến tăng 14%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng mà ACB cho là phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ hạn mức được NHNN cấp, Cổ tức từ lợi nhuận năm 2023 sẽ chia với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, Vốn điều lệ sẽ tăng lên 45 nghìn tỷ đồng.
Được biết, trong năm vừa qua, với lợi nhuận trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng, ACB không chỉ hoàn thành mục tiêu kinh doanh mà còn là một trong 3 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Các chỉ số hoạt động khác của ACB trong năm 2023 cũng đạt kết quả ấn tượng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17,86%, cao hơn trung bình toàn ngành. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập) cải thiện mạnh mẽ, giảm từ 40% (năm 2022) xuống còn 33% (năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,21%, nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Tại Đại hội cổ đông 2024, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám Đốc ACB - cho biết trong Quý 1.2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng, tiếp tục duy trì tỷ lệ ROE ở mức trên 20%. Tín dụng hợp nhất Quý 1 tăng 3,8% so với cuối năm 2023, lên hơn 506 nghìn tỷ đồng. Huy động hợp nhất tăng 2,1% so với cuối năm 2023, lên 493 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ CASA đạt 22,9%, cao hơn mức 22% cuối năm 2023. Các chỉ số an toàn thanh khoản vẫn duy trì ở mức tốt hơn nhiều so với quy định, như LDR T3 là 80,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay TDH luôn thấp hơn mức quy định 30% (tính tới T2 là 18.6%).
Chia sẻ với các cổ đông trong Đại hội, ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB – nhấn mạnh: “Đối với ACB, giai đoạn chiến lược 2019-2024 đang dần khép lại với việc ACB đã hoàn thành tất cả các mục tiêu tài chính quan trọng. Từ năm 2019 đến năm 2023, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất luôn luôn đạt mục tiêu chiến lược trên 20%; là ngân hàng có mức sinh lời hàng đầu Việt Nam. Để tiếp tục phát triển bền vững, ACB phải cân bằng giữa duy trì và phát triển; một mặt phát huy thành quả của chiến lược vừa qua và mặt khác có những điều chỉnh cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của ACB, tiếp tục giữ vững vị trí trong tốp ba ngân hàng tư nhân về thị phần và khả năng sinh lời”.