Nam Cao - Trí thức dấn thân không chịu sống mòn (Kỳ 1)

Sống và Viết suốt cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn trăn trở và đau đáu. Cống hiến hết mình cho sự nghiệp ông là một tác giả tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, ông từng có một đời văn âm thầm và lặng lẽ. Kỷ niệm 70 năm ngày nhà văn hy sinh (1951) Xin có vài dòng về ông người trí thức luôn gắn bó với nông thôn, nông dân.
hinh-anh-nam-cao-e1580631921558-1639295468.jpg
Nhà văn Nam Cao - Tranh sơn dầu của Nguyễn Lê Huy

"Nam Cao viết nhiều về nỗi khổ của người nông dân đương thời qua những thứ nhỏ nhặt và bình thường nhưng đằng sau những con chữ, những điều tưởng như tầm thường ấy là cả một trữ lượng khổng lồ về con người, về nhân tính và xã hội. Trong suốt cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn tâm niệm ngòi bút hiện thực của mình phải gắn bó với đời sống, nhìn thẳng vào sự thật và đại diện cho tiếng nói khốn khổ, cùng quẫn của nhân dân".

Nam Cao là một nhà văn hiện thực, một nhà nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu của thế kỷ XX. Sáng tác của ông đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách lại càng ngời sáng. Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Những đóng góp của ông giữ vị trí quan trọng trong việc hoàn thiện thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Nam Cao xuất thân từ một gia đình công giáo bậc trung, cha là cụ Trần Hữu Huệ, làm thuốc và làm thợ mộc, mẹ là cụ bà Trần Thị Minh làm vườn, làm ruộng và dệt vải. Tên thật Nam Cao là Trần Hữu Trí, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ Nam Cao học sơ học ở trường làng, sau được cha mẹ gửi đi học tiểu học và trung học ở trường Cửa Bắc rồi học trường Thành Chung Nam Định, bắt đầu làm thơ, viết văn và mơ ước đi xa nhưng vì ốm yếu phải về quê chữa bệnh, không kịp thi lấy bằng Thành Chung.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, vật lộn kiếm sống ở nhiều nơi và xuất hiện khá sớm trên văn đàn với những sáng tác văn chương đăng tải trên các báo. Năm 1933 Nam Cao vào Sài Gòn nhận làm thư ký cho một hiệu may, tự học thêm và tập viết văn. Ông viết cả thơ, văn xuôi, kịch… và đăng báo từ năm 1936. Tại đây, các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác, Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp đã ra đời và được gửi đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Ích Hữu với bút danh Thúy Rư. Đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh khi nhà văn tương lai mới 19 tuổi, các sáng tác "tìm đường" của ông thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời. Một thời gian sau Nam Cao ra bắc, tự học lại để thi lấy bằng Thành Chung rồi dạy học ở Trường tư thục Công Thành trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Khi phát-xít Nhật chiếm được Hải Phòng, Hà Nội ngày 26.9.1940, chúng trưng dụng trường làm trại lính, Nam Cao thôi dạy học, sống chật vật bằng nghề viết văn và làm gia sư. Thời gian này ông viết các truyện ngắn "Cái chết của con Mực" và một số bài thơ đăng trên báo Hà Nội tân văn với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.

Năm 1941, tập truyện đầu tay "Đôi lứa xứng đôi" (tên trong bản thảo là "Cái lò gạch cũ"; Sau này, khi in lại, tác phẩm được đổi tên là "Chí Phèo") của Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được độc giả đón nhận như là một hiện tượng văn học độc đáo. Rời Hà Nội, Nam Cao về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang tỉnh Thái Bình, rồi về sống và viết ở làng quê Đại Hoàng. Đây là thời kỳ bút lực và tài năng Nam Cao bước vào độ chín, ông viết nhanh và cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị với bút danh Nam Cao được ghép từ hai chữ tên tổng và huyện quê hương.

Nhà văn hiện thực xuất sắc dũng cảm đối mặt với thế lực bạo tàn, đối mặt với cái ác, cái vô luân, bất công, hủ lậu, đối mặt với lũ bất lương đè đầu lưỡi cổ dân nghèo. Tác phẩm của ông đã phản ánh chân thực xã hội Việt Nam những năm đầu thập niên 40 thế kỷ XX, một xã hội đen tối mà ở đó tầng lớp trí thức nghèo phải bấm bụng sống trong cảnh "sống mòn", "chết mòn", những người dân lao động thấp cổ bé họng phải sống kiếp sống bần cùng không lối thoát. Trong xã hội đó, một tên lý dịch cũng có thể thẳng tay đánh chết người, một tên ác bá có thể cướp trắng thước vườn, mảnh ruộng của người dân. Là một trí thức nghèo, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của chính mình, Nam Cao đã trở thành người cầm bút của lương tri và nhận lấy sứ mệnh cao cả của nhà văn, liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm hiện thực lên án thực trạng xã hội quyết liệt, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương với những kiếp sống lầm than.

Năm 1942, hàng loạt truyện ngắn của ông xuất hiện trên các báo. "Cái mặt không chơi được", "Nhỏ nhen", "Những truyện không muốn viết", "Nhìn người ta sung sướng", "Giăng sáng", "Đôi móng giò", "Trẻ con không được ăn thịt chó"… là những truyện ngắn xuất sắc đã ghi lại những giằng xé nội tâm, những cuộc đấu tranh âm thầm để vượt lên chính mình của người trí thức tiểu tư sản và dựng lên bức tranh chân thực về kiếp sống bần cùng, thê thảm của nông dân ở làng quê Việt Nam.

Nhà sách Hoa Mai cũng đăng tải nhiều truyện Nam Cao viết về những trẻ thơ trong cuộc sống bần cùng, thiếu tình thương, khi lớn lên rơi vào vực thẳm bế tắc, sa ngã: "Những trẻ khốn nạn", "Người thợ rèn", "Nụ cười", "Con mèo mắt ngọc", "Ba người bạn"… Tháng 4.1943, Nam Cao bí mật gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức yêu nước này. Bị mật thám theo dõi gắt gao, ông rời Hà Nội về làng tham gia phong trào Việt Minh ở địa phương, sau đó ông cho in tập truyện ngắn "Nửa đêm" và viết hàng loạt truyện ngắn phản ánh thực trạng xã hội đen tối ở nhiều góc độ. "Mua nhà", "Quái dị", "Từ ngày mẹ chết", "Chuyện tình", "Mua danh", "Một truyện xú-vơ-nia", "Sao lại thế này?", "Tư cách mõ", "Bài học quét nhà", "Chuyện buồn giữa đêm vui", "Điếu văn", "Quên điều độ", "Lão Hạc", "Rửa hờn", "Rình trộm", "Nước mắt", "Đời thừa", "Lang Rận", "Một đám cưới"... Khi truyện dài "Truyện người hàng xóm" được ông cho in nhiều kỳ trên Trung Bắc chủ nhật cũng là lúc ông viết xong tiểu thuyết "Chết mòn" (sau tác giả đổi tên là "Sống mòn"). Với hàng loạt tác phẩm giá trị sáng tác trong thời kỳ 1941-1944, Nam Cao đã cùng các nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng góp phần không nhỏ vào thành tựu của dòng văn học hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX./.

Đỗ Hằng và Hà Phương Thiện