Hơn 100 năm qua, câu chuyện tình yêu đẹp của chàng Ba và nàng Út và giá trị nhân văn sâu sắc của Chợ “phong lưu” còn nguyên giá trị, trở thành không gian văn hoá đặc sắc, gọi mời.
Chợ họp vào ban đêm, khi sương lạnh giăng mờ những đỉnh núi; sóng mây Khâu Vai ẩn hiện mờ ảo, mê hoặc lòng người bởi tiếng khèn Mông, bởi câu hát phươn, hát lượn đối đáp giao duyên, bởi giọng thủ thỉ tâm tình của “người cũ” hỏi thăm nhau sau thời gian xa cách, là men rượu ngô chếnh choáng, say nồng.
Những người già ở Khâu Vai kể rằng: Không còn nhớ chợ bắt đầu họp từ năm nào, nhưng đã hơn 100 năm nay, người dân trên Cao nguyên đá luôn tìm về Khâu Vai vào ngày 27.3 Âm lịch; họ đến không chỉ để gặp “người xưa”, mà đến miếu Ông, miếu Bà thắp hương, nguyện cầu tình yêu, hạnh phúc.
Họ tin sợi chỉ đỏ buộc tay trong Lễ cầu duyên sẽ mang lại tình yêu, may mắn và hạnh phúc lứa đôi. Cứ thế, theo thời gian, giá trị nhân văn của Chợ tình Khâu Vai đã vượt ra khỏi không gian nhỏ hẹp của Cao nguyên đá, trở thành địa chỉ tìm về của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, năm nay, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với chủ đề “Phiên chợ tình ca” được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Lễ hội diễn ra từ ngày 25 - 27.4 (tức ngày 25 - 27.3 Âm lịch) tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai và sân vận động trung tâm huyện Mèo Vạc với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, mang đậm nét văn hoá truyền thống các dân tộc.
Khai mạc lễ hội, đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương và Lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu an; trình diễn thổi khèn Mông; Hát dân ca dân tộc Nùng, Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy; múa nhảy lửa, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách có thể tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực của địa phương và tham gia chuỗi hoạt động trải nghiệm, khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch; chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần Mã Pí Lèng; tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế và ngắm hẻm vực Tu Sản...
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình: Việc tái tổ chức Lễ hội Chợ tình “Phong lưu” với cách làm đổi mới, sáng tạo sẽ là điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang. Tham gia lễ hội Chợ tình Khâu Vai là một trong những trải nghiệm thú vị du khách không thể bỏ qua khi khám phá mảnh đất Hà Giang hùng vĩ, xinh đẹp và mến khách.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong lưu (Háng Phùng Lìu) Khâu Vai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là minh chứng rõ nét về những giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn và sự lan toả mạnh mẽ.
Hiện nay, tỉnh ta thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 và sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch. Những cuộc gọi đặt phòng trước cho tour du lịch khám phá Chợ tình Khâu vai của du khách đang ngày một nhiều thêm. Tháng 3 Âm lịch, chúng ta có hẹn với “mùa yêu”.
“Chợ tình đến hẹn đợi em/Mênh mang thả bước về miền Khâu Vai/Vòng cua thương nhớ nhau hoài/Tìm về cái thuở ban mai hẹn hò...”./. (Thơ Phạm Tự)