Mùa xuân là khởi đầu, là hy vọng. Lời chúc đầu xuân đến với bạn vào thời khắc giao mùa đều là những điều tốt đẹp. Chúc mọi sự thành công, may mắn, an lành. Chúc ước mơ thành hiện thực. Chúc an khang thịnh vượng.
Xuân về, với ngây ngất men say của đất trời nồng nàn với những ngày thiêng liêng khiến con người ta muốn bao dung và được bao dung, muốn được nói lời tha thứ cho những điều ám ảnh của quá khứ, muốn được bỏ lại sau lưng những ưu phiền để tỉnh giấc khi năm mới tới được nhẹ nhõm, thư thái ngắm trời xuân.
Xuân về, tết đến, dù chẳng bao giờ thích những công việc dọn nhà dọn cửa, bận rộn sắm tết, ăn nói phải ý tứ giữ gìn, nhưng Tết mãi mãi là sự bao dung và yên bình, là dịp thư giãn sau một năm xuôi ngược vất vả là dịp mang lại cho mọi người các mối quan hệ mới.
Tết, còn là cơ hội để nói Cảm ơn và Xin lỗi, để tìm lại yêu thương, niềm tin và sự thanh thản trong tâm hồn.
Tết Nguyên đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ truyền. Năm mới hay chỉ đơn giản là Tết, dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt và một số dân tộc phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước.
Đây là dịp tạo điều kiện cho những thành viên trong gia đình làm ăn sinh sống ở nơi xa có dịp về quê họp mặt. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết chính là dịp để người mọi người nhớ về cội nguồn, ông bà, tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay của năm cũ nên mọi người đều vui vẻ, độ lượng, sẵn sàng bỏ qua mọi hiềm khích, giận hờn. Trong lòng mỗi người tràn đầy hy vọng về một năm mới hạnh phúc, và mọi sự hanh thông.
Hương vị của Tết đâu đó trong không gian, là mùi ngọt tỏa ra từ đất, từ những ngọn cỏ tươi mát, long lanh những hạt sương đêm, tràn vào nhà khi vừa mở cửa trong buổi sáng sớm đầu tiên của năm mới. Hai mùa xuân rồi, chúng ta lo lắng hoang mang trước đại dịch Covid. Nhưng kể cả thế cũng không ngăn được mùa xuân ùa về.
Mưa xuân mỏng như sương, chỉ đủ làm ẩm không gian và gọi những mầm cây bật lên từ đất mềm lan mùi ngai ngái. Hương đất nhẹ và mơ hồ lẫn trong mùi thơm của khói bếp tỏa trên những mái nhà lẩn khuất dưới những tán cây xanh. Tất cả đều làm lòng người rạo rực, say đắm.
Bâng khuâng giữa mùa xuân, tôi nhớ về làng quê thân yêu với những con người hồn hậu. Ngày xưa quê tôi nghèo lắm, nhưng không khí ngày Tết vẫn tràn đầy niềm vui, tình người trong sáng chân thành, ai cũng hân hoan, sẵn sàng giúp nhau, cả làng cứ như một nhà vậy.
Chợt so sánh với những ngày ta đang sống, tinh thần, vật chất hơn hẳn ngày xưa, nhưng hình như anh em, họ hàng cứ dần xa nhau ra. Chẳng lẽ nhịp sống công nghiệp, hiện đại là phải thế? Điều đó khiến lòng tôi day dứt. Làm sao có thể thích ứng mà vẫn ngọt ngào, thân ái như ngày xưa?
Sau gần nửa thế kỷ năm làm công ăn lương, qua mùa xuân này tôi đã nhận lương hưu trí và gia nhập đội quân người cao tuổi được hơn 10 năm. Nghĩ lại không khỏi có lúc bâng khuâng, nhưng, cũng như quy luật của đất trời, cái gì phải đến nó sẽ đến. Đông qua, xuân về.
Mùa xuân với Phật giáo là sự an lạc trong tỉnh thức của từng phút giây. Không quá mong đợi mùa xuân đến, không vội âu lo khi mùa xuân đi. Bởi đó là quy luật muôn đời của tự nhiên. Trong cuộc sống bon chen của đời thường đầy toan tính có lẽ con người nên học cách tư duy của phật giáo, của thiên nhiên để tâm hồn con người luôn an bình và thanh thản.
Hạnh phúc trên đời làm gì có lớn, nhỏ. Hạnh phúc chính là sự bằng lòng an lành - với những gì mình có,. Vậy thôi. Nhưng nó thật vô cùng. Bởi có người cả đời tìm hạnh phúc mà không thấy.
Để rồi lại cứ hẹn đến... mùa xuân. Tôi nôn nao nhớ không khí những ngày Tết. Bắt đầu là mùi oi khét của khói đốt vàng mã ngày tiễn ông Công ông Táo lên trời. Sau 23 tháng Chạp, không khí tết ngày càng đậm đặc, đào quất mua về bày trước hiên, măng khô được mang ra ngâm, từng bức tường thơm vôi trắng mới quét.
Cái ngày xưa ấy, mẹ đốt rơm nếp thay chân nhang bát hương, mùi nhang trầm tỏa ngát không đủ xua những quẫn bách lo âu của người lớn, còn bọn trẻ vui đến cuống quýt đón năm mới với những tà áo đẹp. Tất cả như vẫn quẩn quanh đâu đây chí ít là trong ký ức.
Chiều Tất niên, một nồi nước với củ sả, lá bưởi, cây mùi già được long trọng bắc lên bếp lửa giữa nhà chuẩn bị cho cả gia đình tắm gội, như một nghi thức thanh tẩy tinh thần, làm cho mỗi người được thơm tho tinh khiết, sáng láng và thiện lương hơn để tự tin đón mừng năm mới.
Bây giờ Tết đã không còn đầy đủ ý nghĩa như xưa nữa, tôi cũng không còn mong mong ngóng ngóng như những ngày xa xưa nữa, nhưng mùa xuân chẳng lẽ không đẹp ư? Không, tôi nhớ mưa xuân, mưa của mùa xuân, thứ mưa không bẻ bai như mưa thu, không ồn ào nức nở như mưa rào giữa hạ, cũng không gai ghê như mưa đông lộp bộp rơi trên cành lá sau nhà... Qua tết ta lại bình tâm đón mùa xuân với sự sinh sôi của cỏ cây nảy chồi đâm lá.
Mưa xuân sao mà đầm ấm. Đến ngọn cỏ vô tri còn dùng dằng huống chi trong ngực ta là trái tim với tiếng đập dập dồn. Dù mưa lất phất bay trong bao la đồng bãi, trên triền núi cao, hay ngoài sông vắng mênh mang... mưa xuân vẫn là nỗi niềm, là lời không tiếng, là bóng không hình. Là cả những gì lẩn trong tâm thức.
Mưa chưa thành giọt, nhưng cũng đủ làm sũng tóc người lang thang trong mưa. Thứ mưa ấy không phải là mưa xuân trên chợ hoa, mưa của hội làng, mà là mưa của nhớ nhung một thời khôn nguôi trong lòng người xa quê nơi chân trời góc bể...
Xuân là xanh là màu của hy vọng. Mà hạnh phúc thực ra cũng nằm ở ngay chính niềm hy vọng đó. Chúng ta đang sống trong thời đại trí tuệ, của công nghệ tin học. Vì thế mà có ứng xử toàn cầu, có kinh tế tri thức, thị trường toàn cầu, có văn hóa, chính trị mở, đa phương, đa dạng và thế giới tin học phát triển càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình gần gũi và hiểu biết nhau hơn.
Xã hội phát triển không thể cứ khép kín, đơn phương. Cho nên cảm giác "nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ" mà thi sỹ cô đơn Xuân Diệu thốt lên không phải chỉ là cảm nhận tình yêu trong mùa xuân mà còn là cảm nhận vào xuân trong thời đại mới.
Lối sống của con người luôn luôn thay đổi không phải bao giờ cũng tích cực. Những hậu quả của tâm lý chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào thật trầm trọng đối với xã hội và đối với lối sống của con người nói chung. Tâm lý này làm đảo lộn các thước đo giá trị và làm rạn nứt các quan hệ xã hội. Liệu rồi mùa xuân có hàn gắn lại được những đổ vỡ không mong muốn. Nhưng chúng ta tin, niềm tin bất diệt của con người.
Nói đến lối sống, người ta buộc phải nói đến một khái niệm kề cận là nhân cách. Việc hình thành thói quen, lối sống, các tiêu chuẩn hành vi càng ngày càng trở nên phức tạp. Các tiêu chuẩn và giá trị càng ngày càng bị bẻ gẫy, nghiền nát, uốn mềm đi để phù hợp với tiêu chuẩn hội nhập. Hội nhập không phải là vấn đề chính trị mà là qui luật của đời sống hiện đại. Những người có lương tri không thể thờ ơ trước những hành vi làm xói mòn đạo đức, văn hóa người Việt.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không ai có thể đứng ngoài mối quan tâm và lợi ích chung, không quốc gia nào có thể đứng ngoài các các mối quan tâm và quyền lợi của cộng đồng thế giới. Để tạo ra cuộc sống người ta phải đi lại, va chạm, gia nhập vào cộng đồng thế giới. Trong xã hội hiện đại, nhờ những phương tiện công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, sự giao lưu của con người không chỉ khắc phục được những hạn chế cố hữu về thời gian và không gian trước đây mà còn diễn ra với sự đổi mới cơ bản về chất, nghĩa là khoảng cách giữa lối sống cá nhân và lối sống cộng đồng càng ngày càng bị thu hẹp lại.
Mùa xuân lại về, ta đợi hồn mưa, chứ không phải đợi trận mưa, vì mưa xuân không thành trận, mưa xuân chỉ là hồn, hồn đất nước hòa với hồn ta và hồn quê hương. Ta dầm vào mưa, cho ta, cho cả những ai phải lãng thân về xứ khác. Cầu cho ai kia có ngày trở lại quê hương trong ngày xuân để được đắm vào mưa xuân như ngã vào lòng người tri kỷ..../.