Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khó khăn

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc phục hồi và phát triển doanh nghiệp không chỉ là khơi thông điểm nghẽn về lãi suất mà cần khơi thông các rào cản tài chính từ nhiều phía.
news-29f88e75-1692721155.jpg
Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khó khăn - Ảnh minh họa.

Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đầu năm tới nay, các phiên họp của Quốc hội luôn nhấn mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy vậy, TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, quá trình cải cách môi trường kinh doanh còn chuyển biến, thậm chí môi trường kinh doanh còn thêm rào cản nặng nề hơn. Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội cũng phản ánh tình trạng này.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu thị trường thế giới suy giảm. Các đối tác thương mại chính của Việt Nam phục hồi yếu tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu. Tâm lý tiết kiệm và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng phổ biến hơn.

Trong khi đó, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Việc thiếu vốn và gánh nặng chi phí (chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí tuân thủ quy định pháp luật) đang cản trở khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Liên quan đến vấn đề chậm hoàn thuế VAT, bà Thảo đã chỉ rõ những điểm nghẽn, đó là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng và vừa qua, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP.HCM với doanh nghiệp Hàn Quốc (ngày 16/8/2023), các doanh nghiệp cũng phản ánh thực tế này. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện, mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, bà Thảo cho biết, mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên môi trường, xây dựng... là bất cập lớn được hầu hết các địa phương phản ánh. Ngoài ra, rào cản đăng ký kinh doanh cũng rất phổ biến.

“Nổi bật là quy định về phòng cháy chữa cháy (nhất là Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình; Nghị định 136/2020/NĐ-CP), Giấy phép môi trường, Quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, An ninh trật tự, Kinh doanh vận tải…”, bà Thảo nói.

Đáng chú ý, bà Thảo cho biết: “Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Bên cạnh đó, thuế vẫn là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là rào cản; gánh nặng thủ tục hành chính vẫn rất nặng nề; văn bản hướng dẫn chậm ban hành khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều khó khăn; bất cập trong quy định xử phạt vi phạm hành chính…”.

Bên cạnh những khó khăn kể trên, theo bà Thảo, dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn giảm bất thường thể hiện mức độ khó khăn rất lớn của doanh nghiệp, dẫn tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm.

Bởi vậy, bà Thảo đề xuất, để phục hồi và phát triển doanh nghiệp không chỉ là khơi thông điểm nghẽn về lãi suất mà cần khơi thông các rào cản tài chính từ nhiều phía.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay. Tiếp tục áp dụng các hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng và phục hồi các kênh huy động vốn khác (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp).

Đồng thời, hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế.

Đông Nghi