Mình thực sự là ai giữa hai quê hương?

Mới đây, nhà xuất bản Dân trí cho ra mắt tập truyện ngắn và thơ mang tên “Nguồn cội” của tác giả Nguyễn Đan Thy. Cuốn sách là tiếng lòng của tác giả cũng như bao con người khác có hai quê hương, luôn đặt mình trong cuộc chiến tìm xem mình thực sự là ai.

“Nguồn cội” nói về những trăn trở, giằng xé nội tâm, từ lạc lõng tới phẫn nộ, kiêu hãnh tới bình yên của một cô gái trẻ người Việt định cư trên đất Mỹ. Bằng những mẩu chuyện, những vần thơ ngắn giúp bạn đọc có cái nhìn thấu suốt hơn về sự giao thoa bản sắc của những con người hai quê hương.

Về phần bìa sách, tôi nghĩ “Nguồn cội” có lẽ sẽ thu hút được nhiều sự chú ý bởi màu sắc, hình ảnh cho đến phông chữ, mang lại sự giản dị, nhẹ nhàng và trẻ trung. Ba gương mặt trên bìa sách lần lượt thể hiện nỗi buồn tủi, uất ức và bình yên, chúng như thể đang miêu tả về những cảm xúc mà tác giả phải trải qua khi là người có hai quê hương. Nếu tôi có ghé vào cửa hàng sách, với một bìa sách như vậy chắc chắn sẽ lôi kéo được sự chú ý và đánh thức tính cách tò mò của tôi để tôi phải cầm cuốn sách đó lên.

nguon-coi-2-1641459594.jpg
Tập truyện ngắn và thơ mang tên “Nguồn cội” của tác giả Nguyễn Đan Thy

Nhưng phần đặc biệt hơn cả, đó chính là nội dung cuốn sách. Đối với phần này, nó không đơn giản chỉ là thu hút hay kích thích tính tò mò như chiếc bìa sách đem lại, mà đó còn là sự thấu hiểu, nỗi xót xa và sự an ủi động viên tinh thần đối với những người có hai quê hương, hai “nguồn cội”. Đồng thời cũng để lên án về định kiến phân biệt đối xử, kì thị vùng miền, đất nước.

Thật đáng buồn và tiếc nuối khi vẫn còn nhiều người không nhận ra được sự đặc biệt và thú vị của nó, họ đem điều đó ra để châm chọc, bắt nạt, biến cái thú vị thành phi vị vì họ cho đó là “không bình thường”. Cũng như tác giả đã nói, đối với nhiều người đó chỉ là vài miếng hài trong một tập phim, nhưng đối với người trong cuộc thì điều đó thật kinh khủng. Chỉ bởi những trò đùa đem lại những tiếng cười rẻ mạt, để thỏa mãn cho sự xấu xa của bản thân mà khiến con người trở nên tự ti, mặc cảm và đôi khi là sẵn sàng quay lưng lại với quê hương, đổ tội cho quê hương đã khiến họ phải chịu những đau khổ, dày vò. Câu chuyện này làm tôi nhớ tới câu nói của một người nghệ sĩ Hàn Quốc: “Không quan trọng bạn là ai, bạn đến từ đâu, bất kể màu da hay bản sắc giới tính, hãy cứ lên tiếng cho bản thân. Bởi bằng cách đó, bạn sẽ tìm được cái tên và giọng nói của chính bản thân mình.”

Mỗi vùng miền, đất nước sở hữu một màu sắc riêng biệt, việc giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc là điều cần thiết, nhưng việc kết hợp hai màu sắc với nhau để tạo nên một màu sắc mới lạ cũng tuyệt vời đấy chứ? Kết hợp được và cân bằng được, đó sẽ là điều đáng quý và đáng tự hào cho cả hai quê hương và cũng là cho cả bản thân. Bóng tối có to lớn đến đâu cũng chỉ bao phủ bạn trong một đêm, để rồi vẫn phải nhường chỗ cho ánh nắng ấm áp soi sáng vào căn phòng, vào trái tim của bạn./.

Jy Khanh