Theo Bộ trưởng Erick, lợi nhuận ròng của các SOE trong nửa đầu năm nay đã cải thiện mạnh mẽ với mức tăng lên tới 356% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu của các SOE trong nửa đầu năm nay đã đạt 96.500 tỷ rupiah (6,85 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng đạt 26.350 tỷ rupiah, cao hơn mức 5.770 tỷ rupiah vào cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Erick, doanh thu của các SOE tăng vọt chủ yếu nhờ các lĩnh vực năng lượng, tài chính và khai khoáng.
Cụ thể, các SOE trong lĩnh vực năng lượng đạt doanh thu 60.000 tỷ rupiah, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của các SOE trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đạt 13.700 tỷ rupiah, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của các SOE trong lĩnh vực khai khoáng đạt 9.940 tỷ rupiah (+34%).
Các SOE trong lĩnh vực y tế mang lại doanh thu 9.480 tỷ rupiah (+163%), trong khi doanh thu của các SOE trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp lần lượt đạt 7.970 tỷ rupiah (+55%) và 6.280 tỷ rupiah (+37%).
Doanh thu của các SOE trong các lĩnh vực còn lại đều tăng, như bảo hiểm (2.840 tỷ rupiah, +13%), viễn thông (2.620 tỷ rupiah, +4%), phân bón (1.020 tỷ rupiah, +2%), logistics (643 tỷ rupiah, +2%), và quản lý tài sản (507 tỷ rupiah, +12%).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Erick dự báo rằng các biện pháp hạn chế xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong nửa cuối năm 2021 sẽ tác động đến kết quả hoạt động chung của các SOE trong năm nay.
Trước đó cùng ngày, phát biểu trên kênh Youtube của Phủ tổng thống, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) cho rằng các SOE thường được bảo hộ nên không dám cạnh tranh. Điều này khiến SOE chưa hoạt động chuyên nghiệp.
Do vậy, Tổng thống Jokowi tuyên bố không muốn có thêm bất kỳ sự trợ giúp nào cho các doanh nghiệp nhà nước “ốm yếu”, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Erick không bơm vốn nhà nước cho các SOE đang thua lỗ.