Ông McKay cho biết ngay cả khi thị trường việc làm của Canada phục hồi trở lại mức như trước đại dịch COVID-19, các nhà tuyển dụng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhân tố đang khiến tiền lương tăng cao.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Tiff Macklem cho rằng tình trạng lạm phát cao có thể “dai dẳng hơn một chút” so với dự kiến trước đó của của Ngân hàng trung ương, và sự phục hồi kinh tế có thể chậm hơn. Tuy nhiên, ông Tiff Macklem vẫn cho rằng lạm phát hiện tăng mạnh là kết quả của các yếu tố tạm thời, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và việc so sánh giá giữa các năm.
Lạm phát tại Canada trong tháng 8/2021 đã vọt lên mức cao nhất trong 18 năm là 4,1%. Kể từ tháng 4/2021, lạm phát đã cao hơn biên độ mục tiêu 1-3% của ngân hàng trung ương. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự đoán tình trạng lạm phát cao sẽ rút bớt ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến vào giữa năm tới, nhưng các ngân hàng trung ương cần “cảnh giác” trước kịch bản các vấn đề của chuỗi cung ứng có thể kích hoạt lạm phát lõi.
Người tiêu dùng Canada hiện nắm giữ 310 tỷ CAD tiền mặt trong tay. Các ngân hàng đang theo dõi chặt chẽ các khoản tiền gửi đó để xem có bao nhiêu tiền được chuyển đến tài khoản đầu tư, bao nhiêu dành để trả nợ hoặc được chi cho hàng hóa/dịch vụ.
Giám đốc điều hành Fidelity International, Anne Richards cho rằng “rõ ràng có nhu cầu bị dồn nén”, nhưng bà cảnh báo đại dịch sẽ để lại những dấu ấn lâu dài khiến mọi người không thích chấp nhận rủi ro./.