Toàn bộ lăng Ông Bà Chiểu nằm trong một khu đất rộng và cao với tổng diện tích là 18.500m2 và được xây dựng từ năm 1948 và đây là một trong những nơi linh thiêng, cổ xưa của Sài Gòn. Lăng được bao bọc bởi tường dài 500 mét, cao 1,2 mét và có bốn cổng theo bốn hướng ra bốn con đường Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức. Với lối kiến trúc cổ xưa và chiều dài ấn tượng, du khách tới đây thường lưu lại những bức ảnh tại dãy bức tường vàng rực rỡ đậm chất cổ điển.
Ông Lê Duy Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam phụ trách các Tỉnh - Thành phố phía Nam; Chủ tịch Hội đồng họ Lê thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Khu lăng Ông Bà Chiểu đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, cùng với đó việc thành phố Hồ Chí Minh có tên đường Lê Văn Duyệt đã khẳng định công lao to lớn của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt trong việc hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất Nam Bộ nói chung và Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) nói riêng”.
Phía bên trong Lăng Ông Bà Chiểu có kiến trúc cổ kính với một trục đường chính, từ phía cổng Tam quan vào có một khu vườn cảnh và nhà bia, lăng mộ, miếu thờ. Công trình mang đậm dấu ấn, lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn với kỹ thuật chạm khắc trên gỗ, trên đá cực kỳ đặc biệt còn giữ được vẻ đẹp cho đến ngày nay.
Ông Lê Duy Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê thành phố Hồ Chí Minh, tâm sự: “Dù Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt đã mất 189 năm, nhưng công lao của Ngài đối với vùng đất Nam Bộ hết sức to lớn. Là thế hệ hậu duệ của họ Lê Việt Nam, chúng tôi cảm thấy rất tự hào về về bậc tiền nhân Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt”.
Hàng năm, cứ đến ngày 29, 30 tháng 7 và ngày 1, 2 tháng 8 (âm lịch) nơi đây diễn ra lễ giỗ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt thu hút rất nhiều người dân và du khách thập phương. Đặc biệt là dịp Lễ Tết, ngoài việc chụp ảnh, du khách còn có thể ghé vào miếu thờ để tham quan, cầu bình an và sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như xin xăm để xem vận mạng trong tương lai.
Lịch sử lăng mộ Ông Bà Chiểu bắt đầu từ 1848, khi khu lăng mộ về cơ bản được xây dựng xong. Năm 1914, Hội Thượng Công Quý Tế được thành lập. Việc cúng tế miếu lăng Ông Bà Chiểu được tổ chức hàng năm và công tác trùng tu cũng được thực hiện nhiều lần.
Ông Lê Nguyên Long - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Lăng Ông Bà Chiểu, một công trình tâm linh, uy nghiêm, có giá trị lịch sử to lớn. Trước đây, một thời cổng tam quan của Lăng Ông bà Chiểu trở thành biểu tượng của Sài Gòn, được in trên tờ giấy bạc 100 đồng”.
Khái quát lịch sử về Lăng Ông Bà Chiểu
Năm 1835 sau sự biến thành Phiên An, Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt bị buộc tội gián tiếp gây nên biến loạn, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ san bằng mộ, trên dựng bia đá có khắc tám chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”, theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đến năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị lên ngôi cho dẹp bỏ trụ đá hài tội và đắp lại mộ. Năm đầu đời Tự Đức (1848), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần, trong đó có Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Nhà vua xem sớ cảm động, truy phong cho cả ba ông và ban phẩm hàm cho con cháu họ. Lại cho đắp phần mộ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định cao rộng thêm và cho sửa sang miếu thờ. Sau đó dân làng Long Hưng đem trình quan sở tại một người cháu nội của Lê Văn Phong (Lê Văn Phong là em ruột Đức Thượng Công Tả Quân) tên Lê Văn Thi, bấy lâu sợ tội với triều đình nên mãi trốn tránh. Sau đó, ông Lê Văn Thi được phép đến Bà Chiểu, lo việc chăm sóc Lăng Ông Bà Chiểu. Ngày nay, ở trong miếu vẫn còn thờ ông Lê Văn Thi làm Tiền hiền.
Toàn bộ khu lăng ông bà Chiểu được chia thành:
1. Nhà bia
Nhà bia của Lăng Ông được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch và mái ngói lợp âm dương. Ở trong còn có tấm bia đá khắc chữ Hán “Lê Công miếu bi” (bia dựng tại miếu thờ Lê Công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm 1894 với nội dung ca ngợi công Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình cũng như nhân dân, phần cuối bia có nhắc đến phu nhân Đỗ Thị Phận và Phan Công Lương Khê (Phan Thanh Giản) cũng được thờ trong miếu. Trước bia đá là tượng đôi hạc vàng cưỡi rùa.
Đây là hình ảnh tượng trưng cho sự hòa hợp giữa âm và dương, sự tương quan hỗ trợ lẫn nhau giữa muôn loài và muôn vật. Ngày xưa có một thuyết kể rằng cứ tới mùa hạn hán, hạc sẽ “cắp” rùa đến những vùng có nước. Còn khi đến mùa nước lũ, rùa lại trở thành những tảng đá vững chắc cho hạc đậu chân.
2. Lăng mộ
Lăng mộ là nơi có kiến trúc cổ nhất được tồn tại từ năm 1848. Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận.
Toàn thể khu mộ đều được xây bằng hợp chất ô dước. Đặc biệt phù điêu ở 2 bức bình phong (tiền và hậu) chạm khắc những hình ảnh rất giản lược nhưng mang ý nghĩa sâu sắc.
Theo ông Trần Văn Sung - Trưởng ban Quý tế Lăng Ông Bà Chiểu, thì ở mặt trước bình phong tiền chạm hình một con đại bàng đậu trên cành cây trong tư thế đang nghênh chiến khiến con khỉ dưới đất sợ hãi, co rúm - là nói về cái uy của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt với quân Xiêm. Ở mặt sau bình phong chạm hình 2 con hổ: Hổ phụ và hổ tử. Hổ cha nhảy lên, chân trước chạm vào vách núi nhưng mặt vẫn ngoái lại nhìn hổ con - là nói về tích Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt sắp qua đời vẫn hướng về người con tên Lê Văn Khôi”.
Bình phong hậu chạm hình “Long vân” (rồng ẩn mình trong mây) biểu tượng của bậc quan tướng nhưng đường nét cũng rất giản lược. Hai bên bình phong hậu có đắp quai, chạm hình “lá hóa long” cách điệu. Ông Trần Văn Sung cho biết mô-típ “lá hóa long” còn được các nghệ nhân thời xưa chạm khắc trên các xuyên, kèo (gỗ) trong khung mái đền thờ.
Ngoài ra, ở đây còn hai phần mộ nhỏ của hai cô hầu. Tận mắt hình ảnh hai ngôi mộ được xây toàn bộ bằng đá, dù đã đầy dấu vết phai mờ do thời gian, vẫn nằm kề cận nhau khiến du khách phải ngưỡng mộ tình cảm giữa Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phận.
3. Miếu thờ
Đẹp nhất trong toàn thể khuôn viên phải nói đến sự tài tình trong việc xây dựng công trình của người xưa ở khu miếu thờ hay còn gọi là “Thượng công linh miếu”, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nếu một lần ghé thăm Lăng Ông Bà Chiểu, lối kiến trúc đậm nét phong kiến cổ xưa sẽ không làm du khách thất vọng.
Công trình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc miếu thơ, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho đến tận ngày nay. Màu sắc chủ đạo ở khu miếu thờ là vàng và đỏ, trông khá rực rỡ và cực kỳ bắt mắt.
Bố cục của miếu bao gồm: Tiền điện, trung điện và chính điện, hai bên còn có dãy Đông lang và Tây lang. Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tĩnh (giếng trời) với những mái “trùng thiềm điệp ốc” và kỹ thuật kết nối khung nhà bằng các lỗ mộng. Tầng mái ngói cong được xây dựng với lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của Việt Nam thời xưa, cùng với nghệ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ vẫn còn được lưu lại tại nơi thờ cúng này cho đến ngày nay.
Ngoài ra, kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ càng làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính của Lăng Ông cho đến ngày nay. Sâu bên trong khu vực chánh điện của miếu có một góc dựng lại khung cảnh sống đời thường của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt với chiếc võng đơn sơ, rất đời thường.
Hiện nay, còn rất nhiều người lầm tưởng rằng đây là lăng thờ Ông Bà tên Chiểu, tuy nhiên không phải vậy. Do lăng nằm trên chợ Bà Chiểu và do tục lệ kiêng cữ tên nên không biết từ khi nào, người dân đã ghép hai từ “Lăng Ông” với hai từ “Bà Chiểu” để gọi tên khu lăng mộ này thành “Lăng Ông Bà Chiểu”.
Với giá trị lịch sử to lớn, ngày 6/12/1989 toàn bộ khu lăng Ông Bà Chiểu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Để tỏ lòng thành kính, biết ơn Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, ngày 16/9/2020 (nhằm ngày 29/7 âm lịch năm Canh Tý) trong Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Thượng Công được tổ chức tại khu Di tích lịch sử văn hóa lăng Ông Bà Chiểu, Quận ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu thuộc quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.
Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764. Nguyên quán Quãng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Từ Võ tướng thời chúa Nguyễn đến Đại thần dưới triều Nguyễn, ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ 1812 - 1815 và từ 1820 - 1832). Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Ông chăm lo việc đào kênh, đắp lũy, xây thành, vừa phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, củng cố nền hành chính, vừa tăng cường ngoại giao, củng cố biên cương, gia cố thế phòng thủ cả Trấn Thành và miền Gia Định… Năm 1819, ông dâng sớ về việc đào kênh Vĩnh Tế phục vụ phát triển thông thương và nhu cầu hành chính, quân sự bảo vệ vùng biên cương. Năm 1830, ông cho củng cố thành Bát Quái để tăng cường phòng thủ chống quân xâm lược.
Là vị Tổng trấn sống thanh liêm, khéo dùng người tài đức, kiên quyết trừng trị tham quan ô lại, có nhiều chính sách an dân, quan tâm khuyến khích người Việt, người Hoa làm ăn, an cư lạc nghiệp. Ông mất năm 1832 tại Gia Định. Nhân dân kính phục xây lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu để thờ cũng và tưởng niệm Ông./.