Hiện thời, tại không ít địa phương, xuất hiện tình trạng rất không bình thường: nông dân chán ruộng. Sản xuất không có lãi, thậm chí là lỗ. Vì thế nông dân chán ruộng. Làm ra sản phẩm khó tiêu thụ. Nay trồng, mai chặt. Điên đảo, loay hoay với thị trường. Vì thế nông dân chán ruộng. Phân bón, thuốc trừ sâu, các loại giống - nói chung là đầu vào - giá liên tục leo thang. Trong khi giá đầu ra không ngừng tụt dốc. Vì thế nông dân chán ruộng.
Thời tiết khắc nghiệt. Biến đổi khí hậu biến nông dân thành nạn nhân. Vì thế nông dân chán ruộng. Những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật bị dự án đúng và không đúng “hoá kiếp” thành siêu lợi nhuận cho một nhóm lợi ích. Cảnh tượng “cướp ngày” kiểu ấy cũng là tác nhân làm cho nông dân chán ruộng.
Nông dân chán ruộng giống như là học trò chán học; giống như con bệnh sợ thuốc; Nông dân chán ruộng giống như là vợ - chồng chán nhau; Nông dân chán ruộng hệt như Dân chán quan tham; Sự đời có ngàn vạn loại chán. Mọi thứ chán đều có nguyên nhân và hậu quả. Nông dân chán ruộng. Đừng trách Dân. Bà con nông dân không hề có lỗi. Hãy làm người lương thiện, sống như Dân sẽ thấu hiểu vì sao nông dân chán ruộng.
Quan liêu, suốt ngày “ngâm mình” trong phòng có máy điều hoà, xa Dân như thế, làm sao hiểu nổi vì sao nông dân chán ruộng. Hãy giải thoát cho nông dân. Đừng để nông dân chán ruộng. Không thể “giải cứu” theo cái kiểu hô hào, chém gió. Đừng to mồm “dạy” Dân phải thế này, thế kia, nói một đường làm một nẻo. Thực tế cho thấy, sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ít được đầu tư công nghệ chế biến sâu nhằm xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm. Hơn nữa, một phần là do khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tìm ra được nhiều loại giống lúa và các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng từng địa phương Việt Nam và cho năng suất cao, ổn định nên nông dân chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Bà con nông dân không thể tự mình “giải bài toán” chán ruộng. Chính phủ, chính quyền các địa phương phải là tác nhân chủ yếu “giải bài toán” nông dân chán ruộng. Hãy tạo ra cơ chế bình đẳng và thuận lợi cho nông dân. Hãy tạo ra thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu, tiêu thụ hàng hoá cho nông dân. Đó là việc phải làm của chính phủ, của chính quyền các cấp.
Soi vào cơ chế, chính sách, nhìn vào thị trường là nhận ra “nhà nước” đối xử với nông dân như thế nào. Nông dân với chính phủ không có quan hệ xin - cho. Đừng bắt Dân phải xin. Chính phủ từ Dân mà ra. Đảng từ Dân mà ra. Ai bắt Dân phải xin, đó là kẻ thù của Dân, kẻ thù của Đảng. Nông dân với chính phủ được cấu thành bằng quan hệ được phục vụ và phục vụ. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý hoạt động bằng tiền thuế của Dân, họ phải có trách nhiệm phục vụ Dân. Và ngược lại, người Dân phải nghiêm túc thực thi sự điều hành theo luật của nhà nước. Đừng để nông dân chán ruộng. Mong muốn cháy bỏng của hàng triệu nông dân.
Đừng để nông dân chán ruộng. Cú hích đầu tiên đưa bà con nông dân vào “đường ray” thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Quyết không để nông dân chán ruộng. Triệu triệu người Dân có chung mong muốn: chính phủ, lãnh đạo quản lý các ngành các cấp sớm có LỜI THỀ như vậy với bà con nông dân./.