Làm gì sau khi nghỉ hưu

Hưu trí vốn là từ Hán được dùng lâu ngày thành Việt hóa. Gốc nghĩa của hưu trí là sự nghỉ ngơi tốt lành. Phép nhà Đường (Trung Quốc xưa) quan lại cứ làm việc 10 ngày thì có 1 ngày nghỉ, gọi là tuần hưu. Thời gian xen giữa các cuộc giao tranh trong lịch sử gọi là hưu chiến.
tai-og-1641463961.jpg
Ảnh minh họa

Xét trên một bình diện chung, với một cách nhìn tổng thể thì, về cơ bản, người nghỉ hưu là nghỉ lao động để an hưởng tuổi già, thụ hưởng lương hưu dù là rất khiêm nhường của mình. Điều quan tâm nhất của mọi người nghỉ hưu là sức khỏe. Gánh nặng thời gian, tuổi già ập đến, cơ thể xuống cấp, sức đề kháng giảm dần, bệnh mãn tinh trỗi dậy. Con người ta, lúc còn trẻ khỏe thì bán sức kiếm tiền, đến khi về già lại dùng tiền để mua lại sức khỏe. Luyện tập và thuốc thang là hai giải pháp hữu hiệu để được sống khỏe, sống vui.

Thú vui của người nghỉ hưu thì diễn ra muôn vẻ, tùy theo sở thích, gia cảnh và môi trường nơi cư trú. Nhiều người tham gia các câu lạc bộ. Người thì chọn cách đọc sách và viết lách. Người thì bám bàn lướt ván trên mạng đọc đông, tây, kim cổ, vô thiên lủng. Với họ, nếu không có máy tính và Internet thì sẽ không biết là thế nào. Phần đông người nghỉ hưu là vui với cháu con. Hàng ngày, được dắt cháu ngày hai buổi tới trường (mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học) và bi bô với cháu bé là một niềm vui lớn, là hạnh phúc của một đời người. Người xưa nói: “Hậu phúc khán tử tôn” (Nghĩa là: Hạnh phúc sau cùng của một đời người là được nhìn thấy sự khôn lớn, thành đạt của con, cháu). Có người chọn 5 C (cây, chim, cá, chó, cảnh) làm thứ lao động lý liệu và thư giãn, xả stress,…

Cuộc sống khó khăn, đồng lương hưu không đủ trang trải. Trong nhiều trường hợp, lương hưu chỉ đủ ăn - dù còn rất đạm bạc - nhưng rõ ràng là không đủ sống. Cuộc sống còn nhiều nhu cầu khác, đâu chỉ có ăn! Để góp phần giải quyết khó khăn, nhiều người nghỉ hưu tìm việc làm thêm. Trong số này phần đông là người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều đó là hoàn toàn chính đáng, hợp lý, rất đáng khích lệ, hoan nghênh.

Con người ta, bất kể là ai, đều có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm để cải thiện đời sống cho mình, đồng thời qua đó tăng thêm hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Nhiều người thực sự có năng lực và uy tín, khi về hưu được bầu vào các chức sắc đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc địa phương. Và rất nhiều người có tâm huyết, trách nhiệm và uy tín được bầu là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể (Hội cựu chiến binh; Hội người cao tuổi,…) ở cơ sở.

Nhiều người bằng khả năng, sở trường, lập Công ty riêng hoặc được các Doanh nghiệp mời làm việc. Họ đã cùng Công ty hoặc Doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh. Với mặt hàng sản phẩm có chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng, chiếm lĩnh được một thị phần rộng lớn, khẳng định được thương hiệu trên thương trường đầy thử thách khắc nghiệt.

Tôi có ông bạn là Đại tá CCB khi bắt đầu nghỉ hưu đã ngót 60 tuổi vẫn dành thời gian “đèn sách” đi học nghề đông y. Sau hơn 20 năm hành nghề, với y đức, y lý và y thuật khá cao, ông trở thành một lương y giỏi ở một thành phố lớn, đã khám chữa bệnh thành công cho rất nhiều người. Thêm nữa, mấy năm trước ông ấy đã viết cuốn Hồi ký "Trung đoàn - một thời chiến trận" vừa có nội dung tư tưởng, giá trị lịch sử và chất văn học cao - được đồng đội và độc giả hoan nghênh. Ông đã tái bản cuốn sách đó lần thứ 3.

Tuy nhiên, việc làm của người nghỉ hưu cũng lắm chuyện đáng suy ngẫm - trao đổi.

Có người là quan chức, trước khi hạ cánh đã chọn cho mình một cái sân sau để khi hưu mà chưa nghỉ. Gọi là “hậu hưu”. Điều đó cũng đúng. Nhưng có điều là, theo qui luật thuận, thì: Từ nhu cầu cuộc sống, đòi hỏi hình thành tổ chức. Từ yêu cầu tổ chức mà sắp xếp bố trí con người. Nhưng ở ta thì, trong nhiều trường hợp là thực hiện qui trình ngược lại: bố trí ghế cho người ngồi.

Bởi thế, một số người sau khi nghỉ hưu đảm trách một tổ chức rõ to mà sự đào tạo, năng lực, kinh nghiệm sở trường vốn có của người chủ trì chẳng ăn nhập gì với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mà họ đang quản lý điều hành. Họ như những con dao pha hễ ném vào làm việc gì cũng được. Và cuối cùng rồi mọi việc cũng xong. Lấy cái gì làm thước đo chất lượng, hiệu quả. Mọi cái đều đã có dân lo.

Nghe nói, có cán bộ cao cấp khi về hưu tham gia làm việc trong một Công ty. Có lần khi “chạy” một dự án (lobby), ông cựu quan chức "than" rằng, hồi tôi làm việc đã ký duyệt hàng trăm dự án mà có bao giờ nhận “lót tay” kiểu như thế ấy đâu. Người môi giới nói, thời ông khác, bây giờ khác. Mà ai dám chắc là thời ông trong sạch. Ông không nhận gì - nghĩa là ông tự cho mình là thanh liêm - nhưng thực tế là, ông không nhận “lót tay” thì cấp dưới ông nhận.

Có người kể rằng, có ông là cán bộ cấp vụ hẳn hoi, khi về hưu làm nhân viên cho một Công ty. Có lần, theo phận sự, ông ấy đưa ô tô ra sân bay đón Sếp lúc nửa đêm. Vì theo qui định, không thể đưa xe ra đón tận chân cầu thang máy bay, mà ông đã bị vị Giám đốc đáng bậc con cháu đã cáu tiết xẵng dọng phê bình gay gắt. Thật ái ngại!

Có trường hợp khác, một ông nguyên là Chỉ huy trưởng một đơn vị lớn, khi nghỉ hưu xin đi làm cho một Công ty thuộc đơn vị của ông ấy trước đây. Trong một buổi giao ban Công ty, ông cựu Chỉ huy trưởng giơ tay xin được phát biểu đề đạt một vấn đề, thì vị Giám đốc công ty (vốn là cấp dưới rất xa của vị Chi huy đó) ngồi ở ghế chủ toạ, gạt phắt đi: hãy khoan, chưa đến lượt ông. Lần khác, Công ty tổ chức lễ kỷ niệm, ông Chỉ huy trưởng vẫn nghĩ mình là người quan trọng, xăng xái lên sân khấu chụp ảnh lưu niệm. Thấy thế, vị Giám đốc kéo xuống nói, chưa đến lượt ông đâu. Thật ngao ngán!

Lại có người trước đây đã từng đảm trách một cương vị rất lớn, có tài năng, có nhiều công lao trên lĩnh vực ngành trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, được nhiều người kính trọng. Nhưng rồi khi nghỉ hưu làm Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn. Và trên cương vị đó, không biết, do vô tình hay cố ý, hay do chỉ quen điều hành kinh tế tầm “vĩ mô”, chưa quen ở tầm “vi mô”, lơ là, cả tin vào hệ thống cấp dưới,… để rồi được coi là tòng phạm trong việc làm trái qui định, lách luật, gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, và ông ấy đã bị khởi tố. Vẫn biết rằng, với bất kỳ ai, có công thì thưởng, có tội thì phạt - như vậy kỷ cương phép nước mới công minh - nhưng thật cũng buồn!

Nói chung, đã về hưu là nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, ngoài bổn phận công dân, không tham gia gì cả nữa, chẳng sao. Và người nghỉ hưu theo khả năng, sở trường, sở thích của mình có thể tham gia việc này việc khác, vừa góp phần cải thiện đời sống, vừa có ích cho cộng đồng, rất đáng khuyến khích. Trừ một số ít người rất cá biệt vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, còn lại mọi người về hưu đều có ích cho xã hội trong phần đời còn lại trên từng khía cạnh khác nhau./.