Trong 9 tháng vừa qua, do ảnh hưởng tình hình COVID-19, các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng vừa gồng mình phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa lo trả lương cho công nhân viên. Nhiều doanh nghiệp hàng hóa không bán, không xuất khẩu được nên tồn kho rất nhiều. Doanh nghiệp đang rất khó khăn nên đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để có thể tiếp cận các nguồn vay. Với bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đề nghị nên giãn cách đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp khoảng 6 tháng để có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất.
Chính phủ đang kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân ở vùng nông thôn, tuy nhiên lại chưa có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đề nghị cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến nông sản để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, cũng như các doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa về vận chuyển, giao nhận hàng đến các vùng dịch phải thực hiện cách ly theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí test COVID-19 cho người lao động, công nhân rất lớn. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, bởi nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg gây khó cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, điều kiện cách ly tập trung chưa đảm bảo cho tài xế.
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có các chính sách hỗ trợ thiết thực trong việc miễn, giảm thuế để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, lực lượng người lao động bị cắt giảm lương, bị nghỉ việc, thất nghiệp nhiều do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 buộc phải tạm ngưng sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, người lao động, người sử dụng lao động vẫn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dịch bệnh COVID -19 gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần trong năm; trong đó, có kiểm tra phòng cháy chữa cháy 2 lần/năm gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp phản ánh vấn đề quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; giải phóng mặt bằng còn chậm; thủ tục hành chính thuê, mua đất đai phức tạp; giá đất theo quy định của Nhà nước cao.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ghi nhận khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp.
Theo ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, trong đợt dịch này, tại thành phố làng hoa có Vạn Thành do xuất hiện ổ dịch COVID-19 nên từ trưa ngày 9/10 phải thực hiện phong tỏa chống dịch COVID-19. Để tiêu thụ hoa cho nông dân, làng hoa đã thành lập các đội tình nguyện, với khoảng 10 xe tải nhẹ để hỗ trợ chở hoa từ vườn ra bãi tập kết, sau đó giao cho các mối hàng. UBND thành phố Đà Lạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số doanh nghiệp tại làng hoa Vạn Thành được tổ chức sản xuất kịp thời phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đối với đề nghị mở cửa các hoạt động du lịch, tỉnh Lâm Đồng sẽ cho phép doanh nghiệp đón khách du lịch đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tham gia các tour khép kín. Theo Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tỉnh sẽ ban hành hướng dẫn du lịch an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cũng như sớm có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp đón khách, thiết kế tour tuyến giữa các tỉnh “vùng xanh” với Lâm Đồng.
Về tình hình thu hút đầu tư, 9 tháng vừa qua, tỉnh Lâm Đồng cấp quyết định chủ trương đầu tự cho 17 dự án; trong đó, có 16 dự án vốn trong nước và 1 dự án FDI. Trong 9 tháng cả tỉnh có 893 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 11.550 tỷ
đồng, giảm 2,9% về số doanh nghiệp và tăng 45,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 371 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có 108 doanh nghiệp giải thể, tăng 217,6%./.