Kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN: Nguyễn Chí Thanh “sáng trong như ngọc” (kỳ 2)

Với trọng trách là người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị, ông đã chỉ đạo sát sao và trực tiếp lắng nghe tổng kết rút kinh nghiệm, góp phần quan trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, làm nòng cốt cho hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
dai-tuong-nguyen-chi-thanh2-1639801870.jpg
Đại tương Nguyễn Chí Thanh (thứ 3 tử trái sang) trên chiến khu Việt Bắc

Đứng vững trước mọi thử thách phức tạp của thực tế, ông thường xuyên xây dựng, vun đắp hình ảnh và phẩm chất bộ đội cụ Hồ: “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trong hồi ức của các tướng lĩnh quân đội, hình ảnh ông bình dị như bất kỳ một người lính nào, hòa lẫn đến mức có lần đi chiến dịch, một cán bộ cấp tiểu đoàn gạ ông cõng qua suối cho khỏi ướt giày, ra đến giữa dòng hỏi chuyện anh ta mới biết người đang cõng mình chính là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị! Câu chuyện ông bảo vệ tiết mục múa hát quan họ nhân lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do nhà thơ Hoàng Cầm, nguyên Trưởng đoàn văn công quân đội kể lại còn cho thấy tầm văn hóa ở nơi ông.

Chúng ta không phê phán các tướng lĩnh phản đối tiết mục có cảnh “anh anh, em em” bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, họ luôn phải gồng mình lên để chiến đấu, đôi lúc phải kìm nén, quên cả hạnh phúc cá nhân, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng phải là người hiểu sâu sắc lịch sử - văn hóa dân tộc mới có cái nhìn nhân văn và cách ứng xử đầy tình người với một loại hình nghệ thuật của dân tộc.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận ra điều băn khoăn ở các tướng lĩnh suốt thời gian dài trận mạc, đồng thời cũng đánh giá cao nét độc đáo của nghệ thuật truyền thống và muốn nhân sự kiện này mọi người tự nâng tầm văn hóa của mình lên. Những năm làm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thực sự góp phần đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ xuất thân từ giai cấp công nông, đồng thời sử dụng và phát huy đội ngũ cán bộ là trí thức đã qua rèn luyện và chiến đấu để làm nòng cốt cho quân đội.

Rất nhiều mẩu chuyện về tình đồng chí, đồng đội, về tình cảm của ông đối với các chiến sĩ anh nuôi, công vụ, bảo vệ khiến chúng ta cảm động. Sự gần gũi, chân thành đã làm nên tác phong làm việc của ông, chính điều đó làm cho hình ảnh của ông trở nên lung linh, sống động, đọng mãi trong lòng mọi người.

Đến lội đồng, vào nhà máy gây dựng phong trào

Đất nước bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Xác định nông nghiệp là mặt trận quan trọng, Đảng phân công ông làm Trưởng ban nông nghiệp. Vốn là nông dân, lại luôn trăn trở trước cuộc sống còn đói nghèo của đồng bào, ông xắn quần lội ruộng tìm hiểu việc canh nông, những khó khăn, thuận lợi trong canh tác, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, tìm hướng đi cho sản xuất nông nghiệp.

Ông vận động bà con khai hoang phục hóa, phá cảnh “xiềng ba sào” và thâm canh tăng năng suất. Có thể nói ông đến đâu ở đó có phong trào thi đua. Cho đến bây giờ, các thế hệ sau vẫn luôn nhắc đến các phong trào lớn mang tầm vóc thời đại như: “sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất, trống Bắc Lý” mà ông chính là người phát hiện, gây dựng và khơi dậy phong trào.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-dai-tuong-cua-nong-dan-1639802005.jpg
Đến với bà con các dân tộc

Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng trong thời điểm lịch sử đó nhưng nhiều vấn đề nảy sinh rất phức tạp đòi hỏi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cũng như đánh giặc, ông lại về cơ sở nghiên cứu tình hình. Điểm đến của ông là hợp tác xã Đại Phong thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Mục đích của ông là tìm hiểu những cái mới phát sinh do tình hình đem lại.

Nghiên cứu bài học của hợp tác xã và chi bộ đảng ở Đại Phong, ông đã rút ra kết luận: muốn đưa nông thôn phát triển cần tích cực cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào canh tác. Không chỉ khảo sát ở Đại Phong, ông còn xuống một số hợp tác xã ở Hưng Yên, Hà Đông để tìm hiểu thực tế, phân tích và củng cố quan điểm lý luận của mình rồi triển khai rộng khắp trên miền Bắc. Tư tưởng bà con nông dân được giải phóng, sản xuất phát triển, đến năm 1964 miền Bắc cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực.

Bằng việc khơi nguồn đúng mạch, chỉ trong một năm bà con hợp tác xã Đại Phong đã khai hoang phục hóa đưa diện tích trồng trọt từ 5 sào 10 thước/người lên 7 sào 9 thước; thủy lợi đạt 25m3; phân bón đạt 12 tấn/ha. Khí thế thi đua lao động sản xuất của bà con Đại Phong đã làm gương cho hàng vạn hợp tác xã trong cả nước noi theo. Tại đại hội thi đua toàn quốc năm 1961, hợp tác xã Đại Phong đã vinh dự được thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. Với những cố gắng không mệt mỏi trong những hoạt động trên mặt trận nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương đưa công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giành được những thắng lợi to lớn. Cùng thời gian trên, khi về khảo sát tình hình tại thành phố Hải Phòng đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rất chú ý đến nhà máy cơ khí Duyên Hải.

Đây là xưởng cơ khí ROBE do người Pháp bỏ lại, với 28 công nhân lúc ban đầu nhà máy đã từng bước củng cố cơ sở vật chất, tổ chức thiết kế, chế tạo máy móc, phát động các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nhà máy. Các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thao diễn kỹ thuật, phát huy sáng kiến đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của công nhân, chỉ trong 2 tháng, 237 định mức lao động kỹ thuật bị phá, năng suất vượt từ 50 đến 610%; trình độ quản lý của cán bộ, năng lực, tay nghề của công nhân được nâng lên rõ rệt.

Nhà máy cơ khí Duyên Hải trở thành hình mẫu trong ngành công nghiệp non trẻ của cả nước thời kỳ đó nhờ trí tuệ và sự tận tâm, hết lòng vì công việc của ông. Nếu không sâu sát, không bám chắc cơ sở làm sao ông phát hiện, xây dựng được những điển hình tiên tiến để nhân rộng thành phong trào thi đua rộng khắp trong cả nước?

Có hai phong trào thi đua khác gắn với tên tuổi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho đến tận hôm nay vẫn giữ nguyên tính thời sự, đó là phong trào “Trống Bắc Lý”, và “Cờ Ba nhất”. “Trống Bắc Lý” là một đợt vận động thi đua dạy thật tốt, học thật tốt ở trường Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với mục đích:

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện phương châm gắn học tập với lao động sản xuất, học đi đôi với hành, gắn nhà trường với xã hội.

- Nâng cao tinh thần đoàn kết, phục vụ vô điều kiện sự nghiệp giáo dục của Đảng và Chính phủ.

- Phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, đồng thời dựa vào nhân dân xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường ngày càng phong phú.

Thật đáng ngạc nhiên, 3 tiêu chí thi đua được đưa ra từ năm 1960 đến nay vẫn khiến những ai quan tâm đến nền giáo dục của đất nước không khỏi giật mình vì tính hiện đại của nó. Chưa kể “Trống Bắc Lý” và “Cờ Ba Nhất”, chỉ riêng “Sóng Duyên Hải” và “Gió Đại Phong” cũng đủ để phong ông là Vị tướng của phong trào.

Từ định danh một chiến lược đánh Mỹ…

53 năm sống trên cõi đời, có lẽ ông là vị tướng luôn có mặt ở những nơi khó khăn ác liệt nhất. Thời kỳ chống Pháp ông kiên trì bám trụ ở Bình - Trị - Thiên rồi bươn bả trên khắp nẻo đường Việt Bắc, Tây Bắc, Trung du với chiến dịch liên tiếp chiến dịch, chịu đói ăn, thiếu mặc, sốt rét rừng cùng chiến sĩ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông lao vào mặt trận sản xuất, đói no cùng nông dân, công nhân./. (còn nữa)

Hà Phương Thiện