Kon Tum: Phát hiện cơ sở kinh doanh thịt lợn bẩn

Ngày 4/1, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) phối hợp với các đơn vị chức năng… phát hiện một cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn tại xã Đăk Ui.

Cụ thể, tại hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở thôn Kon RNgăng xã Đăk Ui huyện Đăk Hà, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra thực hiện những quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm và đo lường chất lượng sản phẩm.

Tại đây, đoàn liên ngành đã phát hiện 44kg thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bị hôi thối, bốc mùi. Ngoài ra, cửa hàng để hàng hóa lộn xộn, xen thực phẩm tươi sống với ăn ngay và chất tẩy rửa.

Thực phẩm để dưới sàn nhà, khu vực buôn bán không đảm bảo vệ sinh, nhiều bụi bẩn. Hoàng hóa chưa được niêm yết giá; có bán hàng hết hạn sử dụng (bán tráng trộn). Cùng đó, cửa hàng chưa có bản cam kết về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe hết hạn...

Trước những sai phạm trên, đoàn liên ngành đã đề nghị Ủy ban nhân dân xã Đăk Ui tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật, tiêu hủy số thịt lợn hôi thối, bốc mùi.

Từ ngày 20/11/2021 đến 28/02/2022, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Kon Tum (Ban 389) đã ban hành Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 ở tỉnh, các huyện, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm.

Cùng đó, tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ; đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; các tuyến đường bộ; trung tâm bưu cục, nhà kho, bến bãi, các công ty dịch vụ logistics,… Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát cho từng cơ quan, đơn vị chức năng thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Ban chỉ đạo 389 các cấp phối hợp, xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và nội địa, trọng tâm kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm; nhóm các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân..../.