Theo đó, Tài Tâm Group đề xuất lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp được đầu tư 3 dự án, trong đó trên địa bàn thành phố Cao Lãnh có 2 dự án và một dự án trên địa bàn thành phố Sa Đéc. Đây là các dự án đô thị tích hợp hiện đại, tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp, đô thị du lịch, góp phần thúc đẩy nhanh đô thị hóa trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc.
Tài Tâm Group mong muốn tài trợ lập quy hoạch phân khu tại một số vị trí trên địa bàn hai thành phố nói trên và đăng ký đầu tư tại vị trí lập quy hoạch. Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đồng Tháp, đây cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của công ty.
Với các đề xuất của Tài Tâm Group, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ghi nhận và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương để hướng dẫn nhà đầu thực hiện đúng quy định pháp luật.
Công ty TNHH Tài Tâm (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài Tâm) được thành lập năm 1996. Hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Trong đó chủ yếu là tư vấn thực hiện các thủ tục xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp năng, công nghiệp nhẹ, năng lượng.
Các cổ đông góp vốn tại Công ty TNHH Tài Tâm gồm ông Đỗ Lê Quân (SN 1974), ông Đỗ Kim Ngọc (SN 1943) và bà Lê Thị Ân (SN 1951). Cả ba cá nhân cổ đông sáng lập đều chung hộ khẩu thường trú tại 338 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Trong đó, ông Đỗ Lê Quân làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Theo tìm hiểu, Tài Tâm Group là doanh nghiệp có tiếng trong thị trường năng lượng tái tạo và xin được nhiều dự án khắp cả nước. Mặc dù vậy, các dự án năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió thì tập đoàn này chuyên “lướt sóng”, khi được chấp thuận đầu tư rồi nhanh chóng sang tay dự án cho đơn vị khác.
Về tiềm lực tài chính, trong giai đoạn năm 2016 - 2020, doanh thu của Công ty TNHH Tài Tâm liên tục trồi sụt. Năm 2016, công ty ghi nhân doanh thu 42 tỷ đồng, nhưng sang năm 2017 lại giảm xuống 30 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tăng lên 71 tỷ đồng và đạt 117 tỷ đồng năm 2019 nhưng lại tụt xuống còn 31 tỷ đồng năm 2020.
Lợi nhuận của Công ty TNHH Tài Tâm đạt được rất lẹt đẹt, thậm chí là thua lỗ. Cụ thể, trong các năm 2016 - 2018, công ty ghi nhận mức lỗ lần lượt là 2,5 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng và 4 tỷ đồng. Năm 2019 - 2020, dù thoát lỗ nhưng mức lợi nhuận lại rất bọt bèo, đạt lần lượt 44 triệu đồng và 14 triệu đồng.
Về tài sản, năm 2016 Công ty TNHH Tài Tâm ghi nhận khối tài sản 575 tỷ đồng, năm 2017 tài sản giảm xuống còn 390 tỷ đồng. Năm 2018 lại tăng lên 635 tỷ đồng, nhưng năm 2019 lại giảm xuống còn 469 tỷ đồng và năm 2020 là 502 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty TNHH Tài Tâm cũng lên xuống theo quy mô tài sản trong cùng giai đoạn, lần lượt là 460 tỷ đồng, 278 tỷ đồng, 527 tỷ đồng, 360 tỷ đồng và 394 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy đa phần tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả.
Trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Tài Tâm giảm dần đều qua các năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu luôn được duy trì ở mức khá cao như năm 2016 hệ số là 4 lần; Năm 2017 là 2,5; Năm 2018 là 4,8 lần; Năm 2019 là 3,3 lần và năm 2020 là 3,6 lần.