Khu du lịch Hòn Dáu, viên ngọc được tạo nên từ tình yêu và quyết tâm của người cựu chiến binh

Hòn Dáu hay Hòn Dấu là hòn đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ thuộc khu du lịch giải trí Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Phần lớn đảo vẫn đang ở trạng thái nguyên sinh. Trên đảo có đền thờ Nam Hải Đại Vương, có ngọn hải đăng và một số di tích khác.
hd7-1660191121.jpg
Một góc khu du lịch Hòn Dáu

Vài năm gần đây Đồ Sơn có thêm khu nghỉ dưỡng - sinh thái Hòn Dáu, nơi được mệnh danh là viên ngọc của miền Bắc, khiến Đồ Sơn vốn nổi tiếng là một khu nghỉ dưỡng với những bãi tắm thơ mộng và những rừng thông xanh mướt càng thêm quyến rũ.

Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20 km về hướng đông nam, cách nút giao đường cao tốc 5B với đường Phạm Văn Đồng gần 10km, cách Hà Nội hơn 1 giờ xe chạy, Hòn Dáu resort không chỉ là khu du lịch mới hiện đại với bãi tắm nhân tạo thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á, khách sạn đẳng cấp 3 sao, 5 sao, mà còn có các vườn chim, vườn thú, khu vui chơi giải trí, và đặc biệt, có ngọn hải đăng cổ kính hơn trăm năm tuổi.

Giữa thiên nhiên rộng mở, Hòn Dáu Resort với các loại hình du lịch đa dạng: du lịch sinh thái biển, hội thảo - du lịch nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng... đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách muôn phương, đưa du khách trở về với thiên nhiên, chiêm ngưỡng và hòa nhập với rừng, với biển trong sự thư thái, yên bình.

hd1-1660191193.jpg
Một khu nghỉ dưỡng độc đáo

Đền thờ Nam Hải Thần Vương nằm ngay bên cạnh bến tàu. Đây là ngôi đền đã có từ rất lâu đời, nay mới được người dân tại Đồ Sơn sửa chữa mới. Tương truyền Nam Hải Thần Vương là một vị tướng thời Trần. Theo truyền thuyết, sau một trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo.

Nhìn quần áo của ngài, biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con bèn đắp mộ, rồi lập đền thờ. Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Chính vì lẽ đó, trải qua hàng trăm năm, đảo Hòn Dấu vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ.

Đến đời hậu Lê, nhà vua kinh lý Đồ Sơn, nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy một ông già tóc bạc xưng là thần đảo. Tỉnh dậy, vua phán: Nếu là thần linh thì hãy ứng báo. Dứt lời, một con cá to nhảy lên thuyền rồng. Thấy nghiệm, vua phong cho ngài là "Lão đảo đại thần vương". Đền của ngài có duệ hiệu là Nam hải Đại thần vương, còn dân vạn chài gọi ngài là cụ. Hằng năm cứ vào ba ngày 8 - 9 -10 tháng 2 (âm lịch), dân đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ lại kéo nhau về đảo Dáu cúng lễ.

hd2-1660191266.jpg
Hòn Dáu về đêm

Khởi nguồn từ tình yêu và khát vọng làm đẹp, làm giàu cho quê hương, anh Hoàng Văn Thiềng, một người lính, một doanh nhân dũng cảm đã quyết tâm chinh phục thiên nhiên, vần đá lấn biển, mở rộng đảo Hòn Dáu để xây dựng một công trình nhân tạo kỹ vĩ. Người ta không tin công trình lấn biển của anh sẽ thành công bởi với độ sâu 25 mét, đổ bao nhiêu đá cho đầy, nên không ai dám góp vốn đầu tư.

Thế nhưng, vượt qua bao gian truân, anh đã làm nên một kỳ tích, biến điều mọi người cho là không thể thành có thể, khẳng định sức mạnh của ý chí con người: mở rộng diện tích đảo Hòn Dáu thêm 65 ha ra phía biển! Cảm phục trước khát khao làm đẹp cho quê hương của anh, những kiến trúc sư tài hoa đã cùng anh bằng tình yêu, trí tuệ và lòng nhiệt tình, say mê nghiên cứu, sắp đặt, xây dựng những công trình hài hòa điểm xuyết giữa thiên nhiên, biến đảo Hòn Dáu thành khu du lịch - nghỉ dưỡng lý tưởng.

Nhằm mục đích đưa du khách trở về với thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng của biển và hòa nhập với rừng với biển, với chim muông, Hoàng Văn Thiềng và các kiến trúc sư tài hoa của anh đã giữ nguyên hiện trạng Đảo Hòn Dáu, giữ nguyên những vạt rừng nguyên sinh bạt ngàn, thiết kế phần xây dựng mới khoa học và tinh tế để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà tôn thêm vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên.

hd6-1660191320.jpg
Tiện nghi hiện đại

Đền thờ Nam Hải Đại Vương được tôn tạo lại, các trung tâm vui chơi giải trí đặt cách xa khu vực linh thiêng này để không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh thâm nghiêm của vùng văn hóa tâm linh. Các công trình lớn được bố trí xen kẽ giữa các không gian xanh, tạo nên vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính, khiến cảnh quan càng thêm kỳ thú.

Với thiết kế tổng thể tinh tế, hoàn hảo và đầy sáng tạo, khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Hòn Dáu sẽ đem đến cho du khách cảm giác sảng khoái giữa thiên nhiên rộng mở với hồ nước, vườn chim, với biển với rừng. Những ngôi biệt thự lẩn khuất ven núi, những hàng thông quanh năm reo vi vút, Thung Lũng Tình Yêu, chiếc cầu treo cong mềm nối hai bờ thác nước tung bọt trắng xóa suốt ngày đêm… như một góc của cao nguyên Đà Lạt mộng mơ được chuyển về đặt giữa sóng nước biển khơi.

Hồ nhân tạo là hồ lọc nước biển lớn nhất Đông Nam Á, rộng 7 ha, bao gồm công viên nước, dòng sông lười, 2 đảo nổi giữa hồ, bãi tắm nhân tạo được lắp 34.000m2 đá xanh dưới lòng và rải cát trắng lấy từ đảo Cô Tô, nước biển trong hồ luôn trong suốt nhờ được lọc bằng 10 máy lọc nước mua từ Tây Ban Nha, tô điểm thêm vẻ đẹp độc đáo của Hòn Dáu. Nghệ thuật sắp đặt còn thể hiện ở kiến trúc xây dựng Công viên thiếu nhi, Thủy cung, Công viên nước, Đồi vọng cảnh, khu biểu diễn, khu thể thao, sân golf mini…, tạo nên sức hấp dẫn không thể cưỡng cho hòn đảo ngọc.

Hệ thống giao thông cũng được thiết kế xây dựng khoa học mà đậm tính nghệ thuật, các con đường mềm mại nối các Câu lạc bộ Du thuyền, Câu cá, Đua thuyền, Thế giới sinh vật biển, Bến cảng du lịch, khu ẩm thực với các hải sản biển độc đáo, khu du lịch sinh thái, bãi tắm tự nhiên, bãi tắm nhân tạo, khu dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe,… Trên hòn đảo mướt xanh quyến rũ ấy, mỗi công trình có một sắc thái kiến trúc riêng biệt nhưng hài hòa trong kiến trúc tổng thể, tạo nên sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa hiện đại với văn hóa truyền thống Á Đông.

Sở hữu một cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời của rừng của biển ít nơi có được, thêm bàn tay sắp đặt của con người, Hòn Dáu Resort thực sự là một công trình độc đáo, điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi lý tưởng. Khu du lịch đầy tiềm năng đang được Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Hòn Dáu, và những người cùng chí hướng ra công xây dựng.

Nhưng, để viên ngọc Hòn Dáu thật sự tỏa sáng, để “tầm nhìn” khoáng đạt của doanh nhân Hoàng Văn Thiềng, một người lính đã đi qua chiến tranh nay tuổi đã xế chiều vẫn đau đáu khát vọng làm đẹp thêm quê hương, thành hiện thực, cần đến sự chung tay góp sức của nhiều doanh nhân yêu biển, yêu trời Tổ Quốc.

hd5-1660191392.jpg
Một công viên giữa trời và nước

Rồi đây, giữa rì rào sóng vỗ ngàn năm, giữa rừng xanh đại ngàn muôn thuở, Hòn Dáu Resort sẽ trở thành một công trình lấn biển kỳ vĩ, đảo Hòn Dáu sẽ trở thành một viên ngọc long lanh ngàn tia sáng, trở thành niềm tự hào của tất cả chúng ta.

Ông Hoàng Văn Thiềng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu nhớ mãi những ngày ở Đoàn tàu không số: “Cuối năm 1972, khi khám tuyển để nhập ngũ vào Đoàn 125 Hải quân, tôi phải khai tăng để đủ tuổi. Cũng vì chỉ nặng có 38kg nên tôi phải bỏ thêm đá vào túi quần cho đủ cân. Vậy mà cái thân hình “còm nhom” ấy cũng đã chịu được sóng to gió lớn để làm “tròn vai” thợ máy trên những con tàu không số vận chuyển hàng vào Nam”. Ông bảo, những tháng ngày làm thủy thủ ấy đã giúp ông trui rèn bản lĩnh của một người lính trận, để rồi sau này khi rời quân ngũ, dấn thân vào chốn thương trường, ông đã tiếp tục phát huy và đứng vững trên trận tuyến mới.

Là người con của vùng đất Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng), năm 2005, sau nhiều năm làm ăn xa, theo tiếng gọi của UBND thành phố Hải Phòng ông Thiềng quyết định trở về đầu tư ở quê hương. Thăm lại Khu di tích Bến tàu không số K15 Đồ Sơn, Hoàng Văn Thiềng đã dõi theo một vùng biển hoang sơ cách bến K15 không xa. Đó là đảo Hòn Dấu, một hòn đảo nằm lặng lẽ giữa các bãi tắm sầm uất. Nhận thấy “điểm yếu” từ trước tới nay của du lịch Hải Phòng là ít có các khu vui chơi giải trí cao cấp để níu chân du khách, ông Thiềng đã nảy ra một ý tưởng làm du lịch “khác người”: Đầu tư vào dự án “lấp biển” để nâng tầm đảo Hòn Dấu.

“Khi quyết định đầu tư vào Hòn Dấu, đã có rất nhiều người cho tôi là “gàn dở”, bởi ai cũng nghĩ lấp biển chẳng khác nào ném tiền giữa đại dương, trong khi ở thời điểm ấy Hải Phòng đâu có thiếu chỗ “ngon” để đầu tư” - ông Hoàng Văn Thiềng bộc bạch. Với quyết tâm, bản lĩnh của một CCB Đoàn tàu không số, cộng với vốn kinh nghiệm mà mình tích lũy được, ông Thiềng đã tự bỏ vốn thuê máy móc, thiết bị để khảo sát vùng biển quanh đảo Hòn Dấu.

Kết quả ông nhận được sau đợt khảo sát ấy lại là một loạt những thách thức, khó khăn mà ông phải đối mặt: Muốn biến Hòn Dấu trở thành một khu du lịch hấp dẫn, hiện đại thì phải tạo mặt bằng xây dựng dự án trên một vùng biển có những vũng, vịnh sâu từ 18 đến 30m. “Đứng trước thiên nhiên, thấy mình thật giống với những con dã tràng xe cát khi mỗi ngày có tới hàng trăm xe tải chở đầy đất đá nối đuôi nhau đổ xuống biển mà không thấy sủi tăm, thời gian ấy tôi lo tới mất ăn, mất ngủ” - Tổng giám đốc Hoàng Văn Thiềng nhớ về những ngày đầu gian khó.

Sau một thời gian dài thi công, hàng triệu khối đất đá từ các nơi đã được vận chuyển về để san lấp mặt bằng, điều đó cũng đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng đã được… đổ xuống biển. Cuối cùng thì toàn bộ khu B với diện tích hơn 60ha cũng đã được san lấp, tạo nên một mặt bằng rắn chắc, biển được “đẩy lùi” ra xa. Các hạng mục ban đầu của dự án là Khu bãi tắm-thể thao - công viên đã cơ bản hoàn thành. Những biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng đã mọc lên trên một “khu đất vàng” mà trước đó từng bị coi là một bãi đá ngầm bỏ hoang. “Để có được khu đất vàng ven biển ấy, chúng tôi đã phải bỏ vàng thật ra để đầu tư vào dự án”, ông Thiềng nói.

Từ ý tưởng của ông Thiềng và cộng sự là xây dựng Hòn Dấu thành khu du lịch bốn mùa trên diện tích hơn 60ha lấn biển, Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu đã và đang xây dựng một quần thể liên hoàn với các khu du lịch giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Tại đây, rừng nguyên sinh bạt ngàn vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu, còn trên các ngọn đồi ăn ra biển được xây dựng thành một “Đà Lạt thu nhỏ” với không gian thơ mộng của hồ, thác nước, cầu treo, cây cảnh… cùng đủ các loại hình giải trí cho du khách thưởng ngoạn như: Thác nước “Mộng mơ”, Thung lũng “Tình yêu”, khu sân chim, khu thú quý… Đầu tư không kém ở “trên cạn” là một loạt những hạng mục công trình “dưới nước” đã được hoàn thành gồm: Công viên biển, thủy cung, bãi tắm thiên nhiên, hồ tắm nhân tạo…

hd4-1660191456.jpg
Nơi nghỉ dưỡng thanh bình

Không chỉ thu hút du khách bằng các dịch vụ cao cấp, Khu du lịch Hòn Dấu còn phát huy lợi thế của loại hình du lịch khác. Trong những khu rừng nguyên sinh nằm trên đảo Hòn Dấu thuộc khu A, có một ngôi đền linh thiêng thờ Nam Hải Thần Vương, hằng năm rất đông du khách thập phương đã không quản đường xa tới thắp hương tưởng nhớ vị tướng có công chống giặc ngoại xâm thời Nhà Trần.

Tại đây, du khách còn được tham quan nhiều di tích lịch sử có giá trị như di tích lịch sử bến Nghiêng - nơi những con tàu quân sự Pháp chở những tên lính thất trận cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó là khu biệt thự cổ có từ hàng trăm năm từng được Trung ương Đảng họp bàn ra Nghị quyết 15, tạo bước chuyển mới cho cách mạng miền Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

120 héc ta đất lấn ra biển giống hình cánh cung ôm lấy núi Đầu Nở và ngọn đồi dân địa phương vẫn gọi là Đồi 72, vì cao 72 mét, một nửa đang tiếp tục xây dựng. Nhiều khách sạn cao tầng bề thế, nhà hội nghị, hội thảo và các công trình khác định hình. Nửa còn lại đã thành khu du lịch nghỉ dưỡng với kiến trúc và cảnh quan chẳng nói là hơn, nhưng không thua kém những khu du lịch nghỉ dưỡng có tiếng thế giới. Một công trình được tạo nên bằng nghị lực, quyết tâm của người lính năm xưa, người từng sinh tử với con tàu không số./.

Nguyễn Quân và Anh Tú