Quảng cáo #128

Khán giả dị ứng với sự lộng ngôn của các gameshow truyền hình

Mới đây, mạng xã hội được phen “ầm ĩ” về những quan điểm “cổ hủ”, “gia trưởng” của một chàng trai gốc Huế được công khai phát sóng ngay trên một gameshow truyền hình.

Ngày 29/11, tập 4 chương trình Hành Lý Tình Yêu được phát sóng và vấp phải phản ứng dữ dội của khán giả. Nguyên nhân là bởi trong tập phát sóng này, Công Hoàng, một chàng trai tự xưng gốc Huế, 30 tuổi, làm việc ở Sài Gòn đã đưa ra các quan điểm chọn vợ một cách gia trưởng như một ông già cổ hủ thời kỳ đầu thế kỷ XX. Ví dụ như: “Em không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc”.

Cực đoan bị đẩy lên cao trào với quan điểm: “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai” cùng chia sẻ về quan niệm sống, “mâm trên” với cỗ bàn nhiều món ngon dành cho con trai, đàn ông, còn “mâm dưới” kém ngon hơn sẽ dành cho đàn bà con gái. Vấn đề là trong gameshow này, quan điểm này là của cá nhân của Công Hoàng trong việc chọn vợ. Nhưng, chàng trai này lại lấy lý do “đây là truyền thống gia đình” gốc Huế. Và quan điểm sai lệch, lạc hậu cổ hủ của chàng trai này lại được chiếu công khai trên gameshow, gây hiểu lầm và phẫn nộ trong dư luận của người dân cố đô Huế.

cong-hoang-trai-hue-trong-gameshow-gay-tranh-cai-1639053021.jpg
Bất đắc dĩ thành diễn viên

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Công Hoàn đã không thể dấu được mà phải xin lỗi và nói rằng bản thân chỉ làm theo kịch bản. Dù Công Hoàng không nói thì khán giả cũng dần dần tự nhận ra khi chỉ cách nhau vài tháng, Công Hoàng giới thiệu về bản thân với 2 công việc khác nhau, đưa ra những quan điểm chọn bạn gái khác nhau.

Trong đó, hồi tháng 5.2021, Công Hoàng lên sóng “Cho phép được yêu” cùng với một người đàn ông đứng tuổi được giới thiệu là bố đẻ của anh. Trong chương trình, 2 bố con nói gia đình họ đặt chữ “Đức” lên hàng đầu, làm gì cũng phải có “Đức”, và rằng gia đình Công Hoàng không nói lời cay đắng với phụ nữ, với vợ. Vậy mà tại trò chơi này, Công Hoàng lại khinh miệt, coi thường phụ nữ chỉ là “chiếu dưới”.

Thế là đã rõ tất cả là trò lừa dối khán giả, họ không phải là “người thật, việc thật” mà là diễn viên, kể cả màn phản ứng gay gắt thái quá của Lê Hoàng. Thế mà người đại diện cho chương trình, bà Lê Hạnh còn xảo biện rằng “Chương trình là sân chơi cho các bạn trẻ được nói ra các điều bí mật, điểm yếu của mình…” vân vân và mây mây.

Dù cho người chơi làm theo kịch bản hay nói quan điểm cá nhân của mình một cách tự do chủ nghĩa, phơi bày những lệch lạc trong suy nghĩ của mình thì đã gây nên những phản ứng tiêu cực làm tổn hại các giá trị văn hóa lâu đời, nhất là của cố đô Huế như thế này thì trách nhiệm của nhóm làm chương trình và người phê duyệt chương trình chịu trách nhiệm thế nào?

Nếu là người theo dõi TV thường xuyên và có đôi chút tinh ý thì người xem dễ dàng nhận ra, đây không phải lần đầu tiên các gameshow gây tranh cãi. Đơn cử trong show “ghép đôi thần tốc”, cô gái trẻ tự nhận có 12 mối tình hay có người đàn ông U40 trên sóng truyền hình yêu cầu bạn gái phải còn trinh. Năm 2013 người xem thực sự shock khi các thí sinh phải cởi đồ để giảm cân mà nhà sản xuất còn không thèm là mờ hình ảnh nhạy cảm.

Những thống kê ở trên cho thấy để câu views, người thực hiện chương trình đã không ngại làm trò, kể các trò bẩn phản cảm để hấp dẫn một bộ phận khán giả dễ dãi. Người theo dõi nghiêm túc có thể đặt câu hỏi: Vì sao các trò lố lăng, phản cảm có thể nói là vô văn hóa như vậy mà vẫn lọt lưới lên sóng truyền hình? Cơ quan chức năng quản lý ở đâu mà không phát hiện ra không phải là “sạn” mà là những “hòn đá” to tướng trong đời sống văn hóa như vậy?

Đã đến lúc cần có các chế tài hữu hiệu để loại bỏ những nội dung lố lăng phản cảm, những quan điểm sai lệch về văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đây không phải là kiểm duyệt mà góp phần làm “mỗi chương trình phải có thông điệp ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi của truyền hình ở Việt Nam mới trọn vẹn” như nghệ sỹ Trung Dân từng nói.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích