Italy, Pháp hướng tới tăng cường quan hệ hợp tác song phương

Ngày 26/11, Thủ tướng Italy (I-ta-li-a) Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký Hiệp định Quirinale tại Rome nhằm thiết lập một khuôn khổ ổn định và chính thức cho việc tăng cường hợp tác song phương, theo hình mẫu của Hiệp ước Elysée được ký năm 1963, và góp phần xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn.

Thủ tướng Draghi khẳng định Hiệp định Quirinale là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước và sẽ mở ra một thời kỳ hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, thương mại, chính trị và văn hóa. Hai nước sẽ khởi động "các hình thức hợp tác mới" trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cũng như nghiên cứu và đổi mới. Ngoài ra, ít nhất mỗi quý, một bộ trưởng Italy sẽ tham dự một cuộc họp nội các Pháp và ngược lại. 

vna-potal-phap-italy-huong-toi-hiep-dinh-nang-cao-quan-he-song-phuong-5789413-1637929899.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Italy Mario Draghi trong cuộc gặp tại Rome (Italy) ngày 25/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Tổng thống Italy Sergio Mattarella nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt hơn giữa Italy và Pháp góp phần xây dựng một Liên minh châu Âu (EU) vững mạnh hơn ngày càng trở nên cần thiết trước những thách thức mà chỉ một châu Âu hội nhập hơn mới có thể đối mặt. Tầm vóc của châu Âu là yếu tố quan trọng để các nước thành viên có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 và đối phó thành công với những thách thức to lớn của quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.

Việc ký kết hiệp định trên phản ánh một sự thay đổi lớn và lâu dài trong động lực chính trị nội bộ của EU và một sự đối trọng với ưu thế của Đức. Hiệp định Quirinale cho thấy hai nước đã vượt qua những bất đồng trong quan hệ song phương gần đây liên quan tới vấn đề người di cư.

vna-potal-phap-italy-huong-toi-hiep-dinh-nang-cao-quan-he-song-phuong-5789350-1637929899.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 3, trái) và Thủ tướng Italy Mario Draghi (thứ 2, phải) tại cuộc hội đàm ở Rome, Italy ngày 25/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà quan sát cho rằng liên minh Pháp-Italy có thể tạo điều kiện cho một cuộc cải cách sau đại dịch COVID-19 đối với Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng nhằm hạn chế thâm hụt và nợ của chính phủ, hiện đang bị đình chỉ do đại dịch. Pháp và Italy muốn nới lỏng các quy tắc trong khi đối mặt với sự phản đối, đặc biệt là từ những quốc gia bảo thủ về chính sách tài khóa như Áo, Phần Lan và Hà Lan.

Trục Rome-Paris đã thành công trong việc định hình gói hỗ trợ phục hồi từ COVID-19 khổng lồ và trong Sáng kiến Pháp-Italy, cùng với 7 quốc gia thành viên khác, về một công cụ nợ chung mang tính đột phá cho EU. Pháp là nhà đầu tư hàng đầu của Italy. Hai nước đều là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau./.