Hưng Yên: Triển vọng nghề nuôi thủy đặc sản

Những năm gần đây, trong lĩnh vực nuôi thả thủy sản, người dân trong tỉnh đã đưa vào nuôi thả các loài thủy đặc sản như: Ếch, ốc nhồi, ba ba... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công của các mô hình trên không chỉ góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi thả mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.

Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, kỹ thuật nuôi thủy sản qua sách, báo, mạng internet, năm 2018, anh Hoàng Mạnh Cường ở thôn 2, xã Đại Hưng (Khoái Châu) quyết định đầu tư nuôi ốc nhồi với diện tích 2 sào ao. Do yêu cầu nuôi thả đơn giản nên việc nuôi thả lứa đầu của anh Cường thuận lợi, mang lại lợi nhuận cao. Đến nay, anh Cường mở rộng diện tích ao nuôi thả ốc nhồi lên 3 mẫu, gồm ốc nhồi thương phẩm và con giống.

Từ đầu năm đến nay, anh thu được 3 tấn ốc nhồi thương phẩm và khoảng 5 triệu con giống. Thị trường tiêu thụ chính ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang... Ngoài ra, anh Cường còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cung cấp con giống, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các trang trại nuôi ốc ở trong và ngoài tỉnh.

hy1-1670046670.jpg
Anh Hoàng Mạnh Cường (người bên trái) xã Đại Hưng (Khoái Châu) hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho nông dân

 Anh Cường cho biết: Chi phí đầu tư vào mô hình nuôi ốc nhồi không lớn mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên rất phù hợp để khởi nghiệp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn. Ao nuôi không cần kiên cố, quy mô, diện tích tuỳ vào khả năng của từng hộ nuôi. Điều kiện nuôi tốt nhất trong môi trường nước ngọt, không bị nhiễm phèn hay nhiễm độc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mật độ nuôi phù hợp đối với ốc thương phẩm khoảng 300 con/m2.

Thời gian một vụ nuôi kể từ khi xuống giống đến khi thu hoạch từ 3 đến 4 tháng, ốc có thể đạt kích cỡ 25 con/kg. Đặc biệt, nguồn thức ăn của ốc nhồi chủ yếu được tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp như: Bèo tấm, bí, mướp, khoai lang và các loại lá cây… Với giá bán hiện nay từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg ốc thương phẩm và 300 đồng/con ốc giống, năm nay tôi thu lãi trên 700 triệu đồng.

Ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), những thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tân Khai chọn nuôi ếch và cá chép Koi lai để phát triển. HTX được thành lập từ năm 2020 gồm 9 thành viên với diện tích canh tác 2,5ha, trong đó có 2ha ao nuôi thả cá và ếch. So với nhiều loài vật nuôi khác thì nuôi ếch hiện nay có lợi nhuận cao bởi thịt ếch được nhiều người ưa chuộng, chi phí đầu tư nuôi không cao và kỹ thuật nuôi không khó. Thức ăn chủ yếu là các loại cám viên tổng hợp kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như tép, cá con. Cùng với nuôi ếch, HTX còn nuôi cá chép Koi lai. Đây là dòng cá cảnh, chính vì vậy, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với nuôi các loại cá truyền thống khác, đặc biệt là trong khâu xử lý nguồn nước.

hy2-1670046717.jpg
Chăm sóc cá chép Koi lai tại HTX Nuôi trồng thủy sản Tân Khai, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ)

 Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, nhu cầu của thị trường về ếch thương phẩm và cá chép Koi lai ngày càng lớn nên việc tiêu thụ các sản phẩm này của HTX rất thuận lợi, ếch và cá thu hoạch đến đâu được khách hàng trong và ngoài tỉnh thu mua hết đến đó. Năm nay, HTX xuất bán trên 90 tấn ếch thương phẩm với giá từ 55.000 đến 58.000 đồng/kg (cao hơn năm trước 20.000 đồng/kg); xuất bán trên 5 tấn cá chép Koi lai với giá bán từ 120.000 đồng/kg trở lên. Ngoài ra chúng tôi còn bán khoảng 60 vạn ếch con giống và 20 vạn cá chép Koi lai giống. Từ mô hình này, năm nay mang lại cho HTX doanh thu khoảng 8 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh), tỉnh ta có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi thủy sản. 9 tháng đầu năm, sản lượng các loài thủy đặc sản (ốc nhồi, ếch, ba ba, lươn...) toàn tỉnh ước đạt 110 tấn, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Để giúp nông dân phát triển các mô hình nuôi thả thủy đặc sản, hằng năm, Phòng Thủy sản tổ chức lồng ghép các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi các loại thủy đặc sản cho nông dân và khuyến khích nông dân tìm tòi, học hỏi mở rộng quy mô.

Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng thành công của những mô hình nuôi thủy đặc sản được nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện thời gian qua không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức, đối tượng thủy sản nuôi mà còn mở ra triển vọng cho việc phát triển nuôi các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh./.

Tùng Lâm