Riêng trong tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo, giá trị đạt hơn 270 triệu USD, đưa tổng khối lượng trong 4 tháng đầu năm đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Dù giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Chẳng hạn, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước.
Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3.
Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (76% so với cùng kỳ năm 2021).
Năm 2021, xuất khẩu gạo đã có một năm thành công khi xuất bán 6,24 triệu tấn, thu về gần 3,29 tỷ USD. Dù phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ, nhưng gạo Việt vẫn có được giá tốt và so với năm trước, giá xuất khẩu trong năm qua đã tăng 5,5% so với 2020.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, sản lượng lúa năm 2021 đạt 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với 2020, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 526,8 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn. Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng khó khăn lớn nhất của sản xuất lúa là giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng quá mạnh trong năm 2021, đặc biệt với mặt hàng phân bón đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ đó ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng lúa./.