Hồi ức về những ngày cao điểm chống dịch

Có một cuộc điều binh không trống giong cờ mở vào TP.HCM, vừa đến nơi đã setup bệnh viện và chạy đua thời gian để cứu người. Những cuộc "điều binh" các Bệnh viện từ thủ đô Hà Nội và nơi khác.
268794323-1014329162449266-3331663374053144065-n-1640745536.jpg
Ảnh minh họa

Những ngày qua mất mát quá nhiều và những ngày tới còn kinh khủng nữa. Có những BV ở tầng 4 của tháp điều trị như bệnh viện 175, có 200 giường cho những bệnh nhân này. Chừng đó chỉ đủ 200 người nằm. Và nếu mỗi người đều nằm đó 10 ngày thì không còn chỗ để nhận thêm ai. Họ đến và nằm lại chứ đâu thể ra viện hoặc chuyển lên bệnh viện tầng 5 ngay.

Khi một chỗ kẹt ứ, các chỗ khác đành chờ nhìn bệnh nhân tử vong. Như đứa cháu của người bạn mà chiều qua tôi xin cho vào phòng cấp cứu BVDC. Nó nằm ở BVDC rồi, nguy rồi, nhưng người nhà nói BS thiếu nên khám qua zalo. Vô được phòng cấp cứu thì trở nặng nhưng tuyến trên hết chỗ. 3giờ sáng bệnh viện ĐHYD đồng ý nhận cấp cứu, chuyển giữa đường thì tử vong.

Đêm nào bạn đọc cũng gọi cho tôi, trong đó có nhiều cụ già người Hoa. Họ có số điện thoại tôi là vì tôi từng tiếp và lắng nghe họ từ khi họ chưa già, vì mấy chục năm nay tôi ko đổi số điện thoại :"Tui biết số của anh từ khi đọc báo Pháp luật từ hồi còn báo cuốn (25 năm trước). Giờ vợ con tui nguy vậy, nhà báo can thiệp dùm!". Thường, tôi chỉ có thể nhờ các đội trợ giúp F0, các đội giúp thở. May mắn hơn có thể nhờ ai đó đưa vào bệnh viện quận (tầng 2 của tháp điều trị, lãnh đạo quận cũng chỉ can thiệp được tới đó). Có người sống nhưng cũng nhiều người chết.

Hai tối nay, tôi không còn gọi cho lãnh đạo nào nữa, vì biết các anh chị cũng không còn sức mà nghe. Tôi là người viết báo, còn bị réo vậy, các anh chị còn bị réo cỡ nào. Một lãnh đạo TP nói bất kỳ chỗ nào quá khó khăn về thực phẩm mà địa phương chưa kịp trợ giúp, anh Hiển nhắn mình cần nhiêu suất, sẽ có người đưa tới. Tôi biết vị ấy thương dân chứ, nhưng tôi xem lịch công tác, thấy có ngày vị ấy làm việc tới gần 20 tiếng.

Và chỉ là thực phẩm thôi, chứ can thiệp đi viện hay cấp cứu thì giờ này không nên gọi. Vì thực sự bệnh viện quá tải, các cuộc gọi gia tăng áp lực cho bác sĩ, không giải quyết được gì. Tôi không dám trách các bác sĩ, cả những bác sĩ giỏi, có chức vụ, quen thân mà ngày thường toàn bắt tôi đi kiểm tra sức khoẻ còn khi tôi khoẻ rồi thì rủ tôi uống bia cuối tuần. Tôi cũng đã từng gọi nhờ họ giúp những lời kêu cứu ấy. Nhưng giờ thì thua hẳn. Bất lực!

Xóm tôi đã thu hẹp các hoạt động cứu trợ vì nguy hiểm. Và vì với số tiền ít ỏi huy động được, tôi mong có thể làm cái gì đó cho các bác sĩ. Một lô khẩu trang và 100 máy đo ô xy tôi đặt mua với giá trên trời, chuyển tiền ngay để kịp gửi cho 2 bệnh viện. Máy đo giao rồi, nhưng khẩu trang thì mai mới giao.

Ngay chiều, một cô em giám đốc công ty thiết bị y tế "mắng" tôi: Em thề với anh nếu giờ này mà mua khẩu trang 3M-N95 mã này, có hàng giao ngay thì chỉ có hàng Tàu nhái Singapore. Mãi rồi tôi cũng được bên kia trả lại tiền, để đặt mua nơi khác, ké vào một đơn hàng khác và tuần sau mới có. Bác sĩ gửi tôi một list dài các thứ họ cần, trong đó có cả bao đựng tử thi. Bác sĩ than thở: Trời ơi khẩu trang 3M-N95 mà xài mỗi ngày 2 cái, 100 người thì núi cũng lở....

Mỗi người, hãy nhìn về phía trước. Cảm giác bất lực của chúng ta khi mất người thân chỉ là cái móng tay so với cảm giác bất lực của bác sĩ và áp lực đối với những người có trách nhiệm trong chính quyền. Vì họ phải chứng kiến và giải quyết từng giây và về luật, họ được quy định trách nhiệm ngồi chỗ đó để giải quyết những vấn đề như thế.

Vì thế, hãy hỗ trợ họ, nhất là bác sĩ tuyến đầu. Và cũng vì thế giữa những ngày đau thương này (tôi có thể bị phê bình khi dùng từ này, tôi biết chứ), có khi đau thương không làm ta khóc, mà khí thế lên đường của các bác sĩ làm tôi muốn khóc. 3 Trung tâm hồi sức COVID (tầng cuối của tháp điều trị) được gấp rút thành lập để bổ sung cho TP. Chúng ta hiện có BV Hồi sức COVID-19, bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Nhiệt đới, giờ được bổ sung thêm 1500 giường từ các bệnh viện này.

300 BS và nhân viên bệnh viện Việt Đức lên đường để lập Trung tâm Hồi sức COVID ở Bình Chánh. Họ sẽ đảm nhận cứu người nguy kịch ở mạn Tây Nam Sài Gòn, trong đó có quận Bình Tân, vùng dịch khủng khiếp nhất. Lãnh đạo bệnh viện Việt Đức không phân công ngay, chờ tự nguyện. Và emai xung phong tới tấp bay về sau ít phút. Có cô bác sĩ mới lấy chồng, có BS để lại thủ đô mẹ già con dại.

Họ xung phong lên đường để làm việc trong bộ đồ bảo hộ sáng đến chiều đến khuya. Họ lên đường vì người dân Sài Gòn đang nguy kịch. Họ lên đường, vì như họ nói với nhau: "Chúng ta phải đi thôi, vì chúng ta có nghề! Nghề chúng ta là để cứu người. Chúng ta không lên đường thì ai?" Vâng, nếu các anh chị không lên đường, nếu các Y bác sĩ TP này không miệt mài gian lao 3 tháng qua, thì không có ai nữa. Biết ơn biết bao nhiêu, trong những ngày đau thương biết bao nhiêu này!

Chống dịch và sau đó...

Số ca nhiễm Covid của TP.HCM đã công bố không ngừng tăng. Bộ Y tế quyết định lập khẩn cấp 12 trung tâm Hồi sức trên cả nước. Với việc lập 12 trung tâm hồi sức, dồn lực cho TP. HCM về hồi sức, chúng ta có thể hiểu được mức độ nghiêm trọng và khả năng đe doạ tử vong do dịch bệnh. Ngăn ngừa ca nhiễm luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên sự gấp rút bổ sung kịch bản cũng đã được tiến hành: Hạn chế tử vong bằng cách mở rộng quy mô tiếp nhận bệnh nhân nặng cần hồi sức. Đích thân Bộ trưởng Y tế và Giám đốc của 7 BV trung ương vào thành phố, lập thêm 03 trung tâm hồi sức.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là không chỉ tử vong vì Covid (chắc chắn được thống kê chi tiết) thì những ca tử vong vì những bệnh khác, do bệnh viện quá tải trong dịch COVID-19 cũng cần được thống kê đánh giá. Vì đó cũng là sinh mạng bệnh nhân và chết do đợt dịch này

PGS TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện 115 (nơi điều trị đột quỵ hàng đầu phía Nam) cho biết: "Số bệnh nhân đột quỵ vào viện sớm và được điều trị sớm trong giờ vàng bây giờ chỉ còn lác đác như lá mùa thu, trong khi bình thường lên đến hơn 100 bệnh nhân mỗi tháng. Khi bị đột quỵ và không được điều trị kịp thời, thì hậu quả sẽ rất dễ đoán, dù không thể có một con số chính xác".vỞ một chiều hướng khác, số bệnh nhân F0 chờ chuyển viện mỗi ngày đã tăng tịnh tiến theo chiều thẳng đứng 100, 200, 500... và giờ là 1700 ca/ngày. Nó cho thấy sự quá tải của BV Dã chiến thu dung điều trị F0.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đề xuất phương án lập các đội lưu động, chia địa bàn để theo dõi chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo khu vực. Tôi nghĩ đây là giải pháp rất tốt để giảm tải BV dã chiến, giúp chúng ta có điều kiện tập trung chữa trị ca nặng do COVID và cấp cứu, điều trị các bệnh khác. Đồng thời nó vừa là điểm tựa hạn chế việc F0 tại nhà trở nặng, đưa ra các y lệnh và chuyển bàn giao bệnh nhân lên tuyến trên. Có họ, bệnh nhân F0 tại nhà yên tâm hơn.

Có một điều cần nhìn và đánh giá rõ, nếu không nó có thể tác động xấu lên hiệu quả chống dịch và gây ảnh hưởng xấu đến những vấn đề quan trọng khác: Sự kiệt quệ của một bộ phận khá lớn dân nghèo đô thị là công nhân, lao động thời vụ, người khó khăn neo đơn yếm thế và những lao động nhập cư. Vậy nên như thế nào? Thứ nhất, với lao động nhập cư được đưa về quê, nếu cách ly họ tại các trung tâm như hiện nay thì sẽ quá tải. Nên chăng cho về cách ly tại nhà với những ai có kết quả test nhanh và PCR âm tính, với các điều kiện quản lý phù hợp.

Thứ hai, những chuyến xe đón người về quê hiện nay mang tính biểu trưng hơn là thực chất. Bình Định đón 1000 dân về quê và sau chuyến bay chiều nay 30/7 sẽ tạm dừng để đánh giá. Chiều qua, một bạn đọc có bầu 8 tháng muốn về Bình Định đã cầu cứu báo Pháp Luật nhưng chúng tôi cũng không cách nào giúp chị một chỗ trên chuyến bay. Quảng Ngãi khiến cả nước xúc động nhưng đoàn xe gần 15 chiếc của hãng xe đò Chín Nghĩa cũng chỉ đón được 200 dân.

Chỉ riêng phường tôi thôi đã có hàng vạn công nhân tạm trú. Các địa phương sẽ cần bao nhiêu lễ xuất quân đưa hết lao động nhập cư của TP này có nguyện vọng về quê? Nên tổ chức lại giao thông, cấp phép đặc biệt cho các hãng xe, kiểm soát tốt và chống ép giá, lập các trạm hỗ trợ y tế dọc đường và để họ tự mua vé về. Nhà nước không nên làm thay, chỉ kiểm soát và hỗ trợ.

Thứ ba: An sinh, cho những người đã không còn cái ăn, cung cấp thực phẩm, miễn tiền điện nước cho nhà trọ và đề nghi chủ nhà trọ miễn ít nhất 3 tháng tiền thuê nhà cho công nhân, người nghèo... Thứ tư: Chính phủ cần lập ngay một bộ phận tư vấn chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất. Vốn, cơ chế, thị trường và nguồn nguyên liệu, nhân lực đều sẽ thay đổi rất nhiều sau một thời gian doanh nghiệp đắp chiếu vì covid. Việc khởi động nó cần được tính từ giờ với việc đơn giản hoá tối đa các rào cản.

Chúng ta đã có kinh nghiệm đau đớn với gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng vừa qua hỗ trợ doanh nghiệp trả lương lao động, giải ngân chỉ đạt 0,26%. Chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng. Tức là, phần lớn tiền hỗ trợ vẫn nằm trong két của nhà nước. Khu công nghiệp Việt nam - Singapore Bình Dương có 400 doanh nghiệp thì chỉ 5 doanh nghiệp thoả mãn điều kiện nộp hồ sơ và cuối cùng không doanh nghiệp nào trong số đó vay được một đồng.

TP.HCM đã vượt 100 ngàn ca nhiễm, và dịch đang bùng dữ dội. Tuy nhiên không chỉ chống dịch, mà khơi nguồn để khôi phục đời sống sau dịch cần làm từ giờ. Và những điều đó cần thông tin cho người dân rõ. Thêm một người dân hiểu con đường sẽ đi, chính quyền sẽ có thêm một người bạn đồng hành có trách nhiệm để chung tay chống dịch./.

BS Quan Thế Dân