Xác định công tác hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, triển khai các chủ trương của Đảng và các chương trình hành động của Chính phủ về công tác hợp tác kinh tế quốc tế. Từ đó, nâng cao tính hiệu quả của công tác hội nhập quốc tế. Trên tinh thần nâng cao chất lượng hội nhập, nâng tầm toàn diện, sâu rộng đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, công tác hội nhập quốc tế về kinh tế của tỉnh Hòa Bình trong năm vừa qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2022 các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã không ngừng đẩy mạnh về công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về nội dung hội nhập quốc tế về kinh tế cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...Phổ biến các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của Việt Nam khi tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới; chủ động cập nhật các chương trình, sự kiện, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế có sự tham gia của Việt Nam, đặc biệt chú trọng một số chủ trương mới, mang tầm ảnh hưởng vĩ mô của Trung ương.
Nhằm tuyên truyền có bài bản, có chiều sâu, tỉnh Hòa Bình đã đồng bộ mở các chuyên mục như diễn đàn doanh nghiệp tuyên truyền rộng rãi các chính sách, cơ chế của tỉnh trong hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm phát triển bền vững. Chuyên mục cải cách hành thủ tục hành chính phản ánh những khó khăn vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời giới thiệu những điển hình tiên tiến, những sáng kiến hay nhằm đơn giản hóa thục tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong năm 2022 đã đăng tải 5.600 tin bài, phóng sự truyền hình, phát thanh về công tác hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh; tập trung giải quyết những hạn chế để nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, kết hợp với tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư. Thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án. Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng, tăng 31 dự án so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng. Các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 105 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,9 triệu USD và 80 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13.992,7 tỷ đồng.
Công tác thu hút đầu tư và thu hút nguồn vốn thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2022, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện 15 chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trong đó có 13 dự án ODA vốn vay và 02 dự án ODA viện trợ không hoàn lại. Tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án là 4.742.595 triệu đồng. Tổng số vốn đã phân bổ cho các dự án là 683.780 triệu đồng.
Trong năm 2022, thị trường hàng hóa phục hồi tích cực, các hoạt trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, Rằm Trung thu, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới... Trong bối cảnh đó, các cơ quan hữu quan đã theo dõi sát diễn biến cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tình hình giá cả…Hạ tầng thương mại về cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân, làm gia tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa, cũng như làm thay đổi tích cực diện mạo ngành thương mại Tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại. Trên địa bàn tỉnh hiện có 95 chợ trong đó; 29 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý (10 doanh nghiệp, 19 HTX) chiếm 30,5 % trong tổng số 95 chợ. Hiện có 3 TTTM hạng III tại thành phố Hòa Bình và 07 siêu thị (03 siêu thị chuyên doanh, 04 siêu thị tổng hợp).
Năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2022 là năm mà hoạt động sản xuất một số sản phẩm đang trên đà phục hồi nên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm trước tăng 15%. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, phương pháp tiếp cận và quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào các CCN của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch 21 CCN với tổng diện tích đất là 866,605 ha.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung sản xuất an toàn tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; quan tâm hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap và hữu cơ); đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và cấp chứng chỉ FSC; tăng cường kết nối giữa Doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước. Trong năm 2022 đã xuất khẩu được 1.017 tấn sản phẩm (chuối, nhãn, bưởi, mía, sắn); 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến (măng, gừng, dưa chuột, miến dong), 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang Trung Quốc và các thị trường khó tính (Hàn Quốc, Mỹ, Nhật bản, Đài loan, thị trường EU); xuất khẩu đồ mộc và ván ép sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Canada.
Để đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục trình duyệt kế hoạch hoạt động đối ngoại nói chung, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào nói riêng bảo đảm theo đúng quy định. Các hoạt động phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tập trung giải quyết những hạn chế để nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, kết hợp với tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư. Thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án.
Công tác rà soát nhu cầu học nghề và ngành nghề cần đào tạo với mục tiêu tập trung tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên được chú trọng. Kết quả tuyển sinh đào tạo ước thực hiện hết năm 2022 tuyển sinh được 15.250 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,2%. Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo đạt hiệu quả cao, khoảng 80% học viên tự tạo được việc làm sau đào tạo. Ước có 16.400 lao động được tạo việc làm (đạt 100,6% kế hoạch năm). Hỗ trợ người lao động tạo việc làm từ vay vốn Qũy quốc gia việc làm 3.547 lao động./.