Hỗ trợ về thuế và ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 13/10, tại thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị "Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thuế và ngân hàng" nhằm trao đổi về các nội dung về hỗ trợ về tài chính ngân hàng, thuế, thuê đất…
ho-tro-doanh-nghiep-1634123321.jpg
Ảnh minh họa, nguồn www.chinhphu.vn

Ngày 13/10, tại thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị "Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thuế và ngân hàng" nhằm trao đổi về các nội dung về hỗ trợ về tài chính ngân hàng, thuế, thuê đất…

Tại hội nghị, ông Lương Ngọc Toản, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các cấp chính quyền xem xét cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được vay với hình thức tín chấp. Đối với các khoản vay thế chấp, đề nghị nâng hạn mức vay tương ứng với giá trị tài sản thế chấp của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với các khoản vay trung và dài hạn, ông Lương Ngọc Toản đề nghị cho giãn thời gian trả nợ đến hết năm 2021. Đối với các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp, ông đề nghị cho doanh nghiệp giãn một vòng quay vốn.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), tỉnh cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể về chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh giao một cơ quan đầu mối có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký nhu cầu tiêm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Kiều Đình Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quế Võ đề nghị ngành điện lực xem xét tiếp tục giảm giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thu tiền điện 1 hoặc 2 lần/1 tháng cho tất cả các mức sử dụng…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng ghi nhận, biểu dương cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã đồng hành cùng cấp ủy chính quyền địa phương trong việc phòng chống dịch, kiên trì và nỗ lực vượt qua khó khăn để sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, góp phần quan trọng vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế Bắc Ninh đạt 8,57%, thu ngân sách đạt 101% so với cùng kỳ.

Ông Ngô Tân Phượng nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực, chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Tính đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh theo NQ 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19, ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gần 140 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất gần 71 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ gia hạn tiền nộp thuế và thuê đất theo Nghị định 52 gần 3.700 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.700 khách hàng trên tổng dư nợ 8.211 tỷ đồng (số tiền được miễn, giảm 17,9 tỷ đồng), cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 900 khách hàng, tổng dư nợ cơ cấu 3.437,1 tỷ đồng... Nhờ đó, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh đến nay đạt 8,57%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 22.087 tỷ đồng, đạt 79,3% dự toán năm và tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 16.465 tỷ đồng.

Ông Ngô Tân Phượng đề nghị, tới đây Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, Cục Thuế và Chi cục Thuế mở các kênh tiếp cận, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc; đồng thời phối hợp thường xuyên, hiệu quả với Thường trực Tổ 3 nhất để giải quyết những trường hợp, vụ việc cần phối hợp liên ngành để giải quyết và chủ động rà soát, kiến nghị với ngành dọc Trung ương những bất cập trong chính sách để kịp thời tháo gỡ...

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, triển khai các biện pháp y tế một cách khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả, nhất là Chiến lược vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ngoài ra, tỉnh xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phù hợp với thực tế địa phương; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…/.