Hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng thích ứng, hướng tới tương lai

Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB) cho biết WB sẽ hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời hướng tới an ninh lương thực toàn cầu như một ưu tiên cấp bách.
nong-nghiep-chuyen-doi-sang-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-xanh-giam-phat-thai-1639697037.jpg
Hội thảo chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh phát thải thấp

Ông Martien Van Nieuwkoop, Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB), chia sẻ thông điệp quan trọng đầu tiên: Hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đi cùng với những cơ hội còn lớn hơn.

Các quốc gia đều đã có cam kết về mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cần tiếp tục duy trì trong chương trình nghị sự hết sức tham vọng này để giảm phát thải khí nhà kính và giảm lượng khí carbon tương đương trong nông nghiệp.

Từ đó, xây dựng một thị trường đảm bảo khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, đem lại giá trị thiết thực, vượt qua thách thức, chớp lấy cơ hội, hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu sẽ phải thực hiện những chuyển dịch mang tính căn bản.

Chúng ta cần xem xét các lựa chọn khác nhau để có thể có những chuyển đổi mang tính lý tưởng, ưu tiên an toàn thực phẩm và các giá trị đóng góp về chất lượng chứ không chỉ cân nhắc về giá cả.

Cần sắp xếp đầu tư vào quá trình thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu của toàn hệ thống nông nghiệp, giảm phát thải để Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong Chương trình Nghị sự Toàn cầu.

Về các chiến lược cần thực hiện tại Việt Nam, ông Martien Van Nieuwkoop cho rằng cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, có những cơ chế khuyến khích phù hợp, đánh giá lại về đầu tư công trong nông nghiệp.

Hơn nữa, chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, lí giải tại sao giá trị gia tăng thấp. Theo đó, để giải quyết vấn đề này cần có quan hệ đối tác công tư, đưa ra quyết định đầu tư hợp lý cho nông nghiệp.

Có một điều rõ ràng rằng các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn dọc theo chuỗi giá trị. Cần thực hiện các quy trình và giải pháp một cách khôn ngoan để đảm bảo sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng.

Đề cập đến những hỗ trợ của WB, ông Martien Van Nieuwkoop chia sẻ rằng WB sẽ hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời hướng tới an ninh lương thực toàn cầu như một ưu tiên cấp bách.

WB rất khuyến khích chính phủ Việt Nam hướng tới đầu tư công vào hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải. WB và Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh, thành phố đang xây dựng một dự án hỗ trợ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải trong tương lai. Cụ thể: cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; huy động đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và các khâu trong chuỗi giá trị; tìm hiểu các cơ chế tiếp cận tài chính carbon..../.