Hé lộ nguyên nhân 7 doanh nghiệp ở Hải Phòng bị Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang công an điều tra

7 công ty ở Hải Phòng lập dự án để được cấp phép nhưng không khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.

Tại báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó có 7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.

Tại Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã nêu đích danh 7 công ty này lần lượt là: (1) Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; (2) Công ty CP Thương mại Duy Linh; (3) Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; (4) Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; (5) Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; (6) Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư quốc tế Duyên Hải; (7) Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.

Và 1 vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp - tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.

cand-1666082434.jpg
Kiểm toán Nhà nước chuyển nhiều vụ việc sang công an điều tra làm rõ. (Nguồn ảnh: cand.com.vn)

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra, xử lý hành vi trốn thuế của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.

Chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng để điều tra, xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm về công tác khai thác khoáng sản (cát) của 7 Công ty, bao gồm: Công ty CP khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty CP Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.

Trước đó, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, gồm: Tăng thu ngân sách nhà nước 3.263 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 17.767,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 14.464,7 tỷ đồng; giảm lỗ 798,5 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 233 văn bản, gồm: 2 luật; 6 Nghị định; 23 Thông tư và 202 văn bản khác; có 45 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2022.

Năm 2023 Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán hàng loạt dự án, nhiều tập đoàn và ngân hàng cụ thể: 26 dự án dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 5 tổ chức ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm.

Một số tập đoàn, tổng công ty được điểm mặt như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam,Tập đoàn hóa chất Việt Nam, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV, Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – TNHH MTV... nhằm kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nuớc.

5 ngân hàng dự kiến trong danh sách Kiểm toán năm 2023 gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (ViettinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank), Tập đoàn Bảo Việt...

Văn Minh