Hành trình "khai thác" mặt trời

Hơn một thập kỷ trước, khi điện mặt trời vẫn còn là sự mới mẻ ở Việt Nam, thiếu cả công nghệ lẫn thị trường, kỹ sư trẻ Phạm Nam Phong đã quyết định dấn thân và khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực điện mặt trời.

Sở hữu 3 bằng kỹ sư ô tô, quản trị chất lượng, quản trị kinh doanh và marketing, cùng một công việc ổn định, nhưng kỹ sư Phạm Nam Phong lại bắt đầu khởi nghiệp bằng con đường mới. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Nam Phong cho hay, từng có quá trình làm việc trong 4 tập đoàn Âu, Mỹ lớn, anh tiếp cận nhiều nguồn thông tin về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện mặt trời. Nhận thấy đây là một ngành tiềm năng trong tương lai, đặc biệt là tại Việt Nam, hơn 10 năm trước, anh quyết tâm dành thời gian tìm hiểu sâu liên quan đến kỹ thuật, hệ thống thiết bị, các phương thức lắp đặt, vận hành…

“Tại thời điểm đó, việc chia sẻ thông tin về điện mặt trời còn nhiều khó khăn, công việc cực nhọc. Xã hội lúc đó biết đến điện mặt trời là loại hình lắp đặt cho vùng không có lưới điện như hải đảo, vùng sâu xa và là ngành không có tương lai bởi thị trường lúc đó rất nhỏ. Nhưng tại châu Âu, điện mặt trời còn được làm cho vùng thành thị, cấp cho những nơi có lưới điện”, kỹ sư Phạm Nam Phong hồi tưởng.

Năm 2009, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong (Vũ Phong Solar) ra đời và cơ duyên để lan tỏa thương hiệu chính là hợp đồng lớn lắp đặt 14 hệ thống điện năng lượng mặt trời 510W (tổng công suất trên 7kW) cho trạm kiểm lâm vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Công ty còn sản xuất các thiết bị thiết yếu mang thương hiệu SolarV như bộ điều khiển, bộ đổi nguồn DC-AC, máy phát điện mặt trời mini phục vụ những nơi chưa có điện và được các đại lý mua về bán tại nhiều địa phương.

Chính sách dành cho điện mặt trời chưa có, cũng chính vì thế mà nhiều năm liền, nguồn điện thừa phát ra của dự án phải bỏ đi vì không thể được đưa lên lưới điện, trong khi chi phí cho tích trữ điện thời điểm đó là khá cao.

Trong những năm kinh doanh đầu tiên, thị trường điện mặt trời nhỏ bé, thậm chí “người chèo lái” Phạm Nam Phong phải nghĩ đến chuyện làm sản phẩm vali kéo cho du lịch, dùng để sạc điện thoại và laptop, tìm ra các thị trường ngách để bán thêm sản phẩm.

“Năm 2014, chúng tôi có cơ hội lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho đối tác đến từ Đức – chuyên gia ngành điện làm việc tại Vũng Tàu. Đây là dự án thi công điện mặt trời hòa lưới đầu tiên, mở ra mảng thi công cho doanh nghiệp và từ đây Vũ Phong Solar phát triển mạnh”, doanh nhân Phạm Nam Phong chia sẻ.

Quyết định 11/2017 và Quyết định 13/2020 về khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo ra cuộc chạy đua lắp đặt ở Việt Nam. Đến cuối năm 2020, tổng công suất điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp, với hàng trăm nghìn công trình lớn, nhỏ đã được đấu nối.

Nhờ đó, Vũ Phong Solar trong 3 năm gần nhất đã liên tục tăng trưởng mạnh. Thương hiệu Vũ Phong Solar nổi lên sau khi trở thành công ty tư nhân Việt Nam đầu tiên thi công và được chuyển giao vận hành nhà máy điện mặt trời quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2019 - BIM 2 công suất 250 MW, và cùng đó là hàng loạt dự án lớn khác như Dầu Tiếng, Hồng Phong, Mũi Né…

photo1562740860542-1562740860719-crop-15627408911571386362215-1643512399.jpeg
Ảnh minh hoạ

Đến năm 2021, Vũ Phong Solar được đổi tên thành Vũ Phong Energy Group nhằm mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo với nhiều mảng kinh doanh mới.

Mới đây, Vũ Phong Energy Group cũng vừa chính thức bàn giao hệ thống điện mặt trời công suất 2.900 kWp trên mái của nhà máy sản xuất giày Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam (Nghĩa Hưng, Nam Định); trong đó Vũ Phong đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC. Dự án hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 1.453 kWp được lắp đặt trên mái nhà máy Công ty Lạc Long (Cần Giuộc, Long An) do Vũ Phong Energy Group thi công lắp đặt và vận hành đã xuất sắc được vinh danh ở hai hạng mục của The Asian Power Awards 2021 là Dự án điện mặt trời của năm và Dự án cải thiện môi trường của năm.

Anh Phạm Nam Phong - CEO Vũ Phong Energy Group chia sẻ: "Chúng tôi đang sở hữu công ty thành viên Vũ Phong Tech  - một công ty chuyên về nghiên cứu các thiết bị vận hành hệ thống điện mặt trời như robot, flycam – drone quét nhiệt, hệ thống quản lý dữ liệu lớn (big data), cắt cỏ trang trại điện. Hiện tất cả các dự án mà Vũ Phong Tech vận hành đều sử dụng robot này. Đây là sản phẩm Make in Việt Nam hoàn toàn do kỹ sư trong nước chế tạo".

Vũ Phong Tech thuộc Vũ Phong Energy Group cũng vừa nhận được một niềm vui lớn, được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng “Trung tâm Sản xuất và Nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo Vũ Phong Tech”. Vũ Phong Tech sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm Robot, thiết bị giám sát và thu thập dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật để phục vụ cho ngành.  

Không chỉ phát triển mạnh ở mảng năng lượng mặt trời, để góp phần xây dựng nền công nghiệp sạch, hướng tới giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam, Vũ Phong Energy đang nỗ lực vươn xa hơn trong ngành điện gió.

Cuối tháng 12/2021 vừa qua, Công ty CP Xây dựng 47, Vũ Phong Energy Group và Công ty STEAG Energy Services GmbH (CHLB Đức) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác cung cấp các dịch vụ tư vấn phát triển và triển khai thực hiện dự án điện gió tại Việt Nam.

CEO Phạm Nam Phong cho hay, điện gió ngoài khơi liên quan nhiều đến an ninh biển đảo, trải dài khắp vùng biển của đấy nước, vì vậy đây được ví như những radar an ninh. Việc vận hành và bảo dưỡng các nhà máy này cần phải do chính người Việt Nam làm, doanh nghiệp Việt theo đó cần nâng cao năng lực lên ngang tầm quốc tế.

“Vũ Phong Tech cũng đang chuyển giao công nghệ và vận hành điện gió với đối tác Đức, nhằm chuẩn bị cho việc vận hành điện gió ngoài khơi. Chúng tôi buộc phải đào tạo, xây dựng quy trình chuẩn quốc tế và đây cũng chính là một câu chuyện Make in Vietnam trong ngành điện gió”, CEO Phạm Nam Phong nói./.