Đây là dịp để đánh giá, ghi nhận những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân và cán bộ xã nhà qua các thời kỳ. Từ đó khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân xã Gia Đức, khẳng định quyết tâm tiếp tục phấn đấu vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bốn mươi năm về trước, xã Gia Đức là vùng đất hoang sơ, ngập mặn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là những nguời đi xây dựng vùng kinh tế mới, đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai để xây dựng cuộc sống mới, dù điều kiện mọi mặt còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để ổn định và quản lý tốt địa bàn dân cư, theo đề nghị của thành phố, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 78, ngày 15/7/1983, về việc “Thành lập hai xã mới của huyện Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng”. Theo đó, thành lập ở vùng kinh tế Gia Minh của huyện Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng hai xã mới lấy tên là Gia Minh và Gia Đức.
Ngày 25/8/1983, Quyết định số 78 được công bố và xã Gia Đức chính thức được thành lập, với diện tích tự nhiên là 1.013,17 ha và 3.200 nhân khẩu. Tuy mới được thành lập, nhưng Gia Đức đã có bề dày lịch sử và văn hoá lâu đời của làng Gia Đước, tổng Dưỡng Động xưa, với những người con tràn đầy nhiệt huyết, cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu vì Tổ quốc. Qua các cuộc kháng chiến chống đế quốc và chiến đấu bảo vệ biên giới, toàn xã hiện có 30 anh hùng liệt sỹ, 21 thương bệnh binh, 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong vòng 40 năm, từ một địa bàn vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, từ một làng quê nghèo trong vùng kinh tế mới đầy rẫy khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn của buổi đầu thành lập; nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, sự giúp đỡ của các phòng, ban ngành, đoàn thể huyện và các xã bạn, sự đồng tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã nhà, Gia Đức đã có bước phát triển “thần kỳ” trở thành một địa phương có nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bộ mặt làng quê ngày càng thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn mới khang trang. .
Những ngày đầu thành lập, cùng với tình hình chung của huyện, thành phố và đất nước, xã Gia Đức còn nhiều mặt khó khăn, yếu kém. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, năng lực, hiệu quả sản xuất thấp; cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu, vừa yếu. Đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các lĩnh vực y tế, giáo dục không đáp ứng kịp yêu cầu... Trước tình hình đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Huyện, cán bộ và nhân dân Gia Đức đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, từng bước ổn định và phát triển. Trong quá trình xây dựng và phát triển, qua mỗi thời kỳ lịch sử, Đảng bộ và nhân xã Gia Đức đã bám sát sự lãnh đạo của Huyện ủy, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị.
Giai đoạn đầu mới thành lập, trong điều kiện “vùng sâu, vùng xa” và các hộ dân đến “sinh cơ lập nghiệp” đã gặp vô vàn khó khăn về nhà ở, về giao thông, đất canh tác, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất,... Thực hiện nhiệm vụ tiếp tục xây dựng vùng kinh tế mới theo hướng định canh, định cư lâu dài và tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền xã Gia Đức đã chủ trương tổ chức sản xuất nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã và kiến thiết cơ sở hạ tầng, củng cố hệ thống giáo dục, y tế, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, thành lập trên địa bàn xã có 02 hợp tác xã nông nghiệp làm nhiệm vụ quản lý và làm dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm thực hiện đổi mới, trước những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn của địa phương, đất nước, xác định nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và là thế mạnh của địa phương, Đảng bộ và Nhân dân toàn xã đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, phát huy mọi nguồn lực, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trọng tâm là phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp - thuỷ sản, phát triển cân đối giữa trồng trọt với chăn nuôi, sản xuất và chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo Quốc phòng - An ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện tốt chính sách xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Như vậy, trong gần 20 năm kể từ ngày thành lập, Gia Đức đã có những phát triển mới. Từ một khu kinh tế nghèo nàn, người nông dân đã tạo ra sức sống mới, làng quê được ngói hoá, giao thông thuận tiện, đời sống nhân dân ổn định, được cải thiện, văn hoá - xã hội phát triển, trật tự trị an được đảm bảo. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất và nhiều phương tiện khác để xây dựng, sửa chữa công trình công cộng trên địa bàn xã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, khang trang sạch đẹp.
Trong phong trào xây dựng NTM, tổng nguồn lực đầu là 36,17 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động; trong xây dựng NTM kiểu mẫu vừa qua, có 981 hộ dân tham gia hiến đất, với tổng diện tích 14.062m2, gồm 10.384m2 đất ở và 3.678m2 đất nông nghiệp (số hộ hiến từ 60m2 trở lên là 50 hộ, trong đó hộ hiến đất nhiều nhất là 200m2), giá trị đất nếu tính theo giá thị trường khoảng 48,70 tỷ đồng; nếu căn cứ theo đơn giá đền bù theo quy định, giá trị đất nhân dân hiến tặng để xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu đã tiết kiệm cho ngân sách trên 20 tỷ đồng, so với các công trình đầu tư xây dựng thông thường.
Trong vòng 40 năm, từ một địa bàn vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, từ một làng quê nghèo trong vùng kinh tế mới đầy rẫy khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn của buổi đầu thành lập, đến nay, xã Gia Đức đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Gia Đức đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực thực hiện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên sự phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và có chiều sâu.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi to lớn, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX xác định “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Có thể nói, sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, xã Gia Đức đã có bước phát triển cơ bản trên các lĩnh vực. Đó là thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự quan tâm của các phòng, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể của huyện Thuỷ Nguyên; sự sẻ chia, giúp đỡ của Đảng bộ và Nhân dân các xã, thị trấn trong huyện. Đó là sự kết tinh thành quả lao động, sự phấn đấu không ngừng của Nhân dân và nhiều thế hệ cán bộ trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển xã Gia Đức.
Một số hình ảnh kỷ niệm 40 năm xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: