Hà Tĩnh: Vụ thương binh bị chặt vườn cây ăn quả không đủ yếu tố khởi tố

Liên quan đến vụ việc một nhóm người hằng năm vào vườn đồi của thương binh Nguyễn Văn Trung (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chặt phá cây ăn quả, đặt biệt chặt hạ 250 gốc cam các loại, Cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Hương Sơn cho biết vụ việc không đủ yếu tố để khởi tố.

Không đủ yếu tố để khởi tố

7435490a3c8bf1d5a89a-1657074552.jpg
Nhóm người hằng năm tụ tập vào vườn đồi của ông Trung để chặt phá.

Như Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã phản ánh, nhiều năm qua, một nhóm người tập trung vào khu vực vườn đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Trung (thương binh hạng 4, tại thôn Sông Con, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) lợi dụng việc tảo mộ để chặt phá vườn cây ăn quả của gia đình ông. Đỉnh điểm nhất vào năm 2018, nhóm người trên đã hai lần vào chặt phá 250 gốc cam đã đến thời kỳ cho quả của ông Trung. Những năm qua, nhóm người trên vẫn tiếp tục vào chặt phá vườn cây của ông. Tuy nhiên, Cơ quan Công an huyện Hương Sơn kết luận không đủ yếu tố để khởi tố về tội hủy hoại tài sản.

ong-trung-1657075020.jpg
Người thương binh già bên những gốc cam của mình đã bị nhóm người vào chặt phá.

Trao đổi với Phóng viên, Đại úy Trần Đình Anh - Đội trưởng đội điều tra, Công an huyện Hương Sơn cho biết: Ngày 1/5/2018, Công an huyện Hương Sơn có nhận được đơn trình báo của ông Trung về việc gia đình ông bị một nhóm người chặt phá khoảng 250 gốc cam. Sau khi nhận đơn, Công an huyện Hương Sơn đã vào cuộc điều tra và đã có kết luận về vụ việc. “Căn cứ kết quả điều tra, xét thấy hành vi của những người liên quan không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Khoản 2, Điều 157 Bộ Luật tố tụng hình sự”, Đại úy Trần Đình Anh thông tin.

Theo kết quả điều tra, năm 2018, nhóm người trên đã chặt 250 cây cam; trong đó 150 cây cam bù chưa cho thu hoạch có độ tuổi 1 - 2 năm; 100 cây cam, quýt chưa cho thu hoạch có độ tuổi từ 1 - 2 năm. Tổng thiệt hại là 35.250.000 đồng.

7ef489a3fe22337c6a33-1657075085.jpg
Dù những cây cam ở cách xa ngôi mộ nhưng vẫn vị nhóm người chặt phá hằng năm.

“Còn những năm sau này, nhóm người kia chỉ chặt phá những cây cam tái sinh. Sau khi có kết luận, chúng tôi đã hướng dẫn gia đình ông Trung gửi đơn lên Tòa án nhân dân để được giải quyết. Nhóm người này, có những người ở địa phương và có những người ở nơi khác đến”, Đại úy Anh thông tin thêm.

Chia sẻ với Phóng viên, ông Trung buồn rầu nói: “Việc tranh chấp đất rừng đã xảy ra từ năm 2010, khi nhóm người này chặt cây keo tràm tôi trồng trên khu đất đó để đòi đất làm nghĩa trang. Tôi đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Năm 2015, sau khi thu hoạch keo, tôi tiến hành trồng cam thì năm 2018 nhóm người này lại tiếp tục vào chặt phá hai lần, từ đó đến nay, năm nào họ cũng vào chặt phá vườn cam của gia đình tôi. Sự việc đã kéo dài nhưng đến nay. Thật sự, gia đình chúng tôi cảm thấy rất hoang mang".

thong-bao-2-1657075274.jpg
Thông báo của UBND huyện Hương Sơn gửi gia đình ông Trung về vụ việc.

“Thà đất tôi đi lấn chiếm, tôi trồng cây trên đất không phải của mình thì tôi không ý kiến, nhưng đây là đất bìa đỏ mà nhà nước cấp cho tôi, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận thế nhưng nhóm người kia vẫn bất chấp phá hoại tài sản của tôi. Như họ nói, đất đó có quy hoạch làm nghĩa trang, nhưng nếu có quy hoạch thì phải có quyết định thu hồi, đền bù cái đã, chứ không thể tự ý phá hoại cây cối của tôi như vậy”, ông Trung nói thêm.

Sau nhiều lần gửi đơn, ngày 7/5/2021, UBND huyện Hương Sơn có thông báo số 555/UBND - KTHT về việc trả lời kiến nghị của công dân gửi gia đình ông Trung. Văn số 555 bản nêu rõ: "Sau khi giao các phòng ban chuyên môn kiểm tra hồ sơ và thực địa, nhận thấy thửa đất gia đình ông phản ánh thuộc thửa số 19, tờ bản đồ số 08 (bản đồ thiết kế trồng rừng 2002) thôn Sông Con, xã Quang Diệm, diện tích 25.000m2, được UBND huyện Hương Sơn cấp GCN QSD đất số T 505168 ngày 20/2/2002, mục đích sử dụng để trồng rừng sản xuất.

Theo quy hoạch chung xây dựng xã Quang Diệm, được UBND huyện Hương Sơn phê duyệt theo quyết định số 8416/QĐ - UBND ngày 31/12/2020 thì một phần diện tích (01 ha) thuộc thửa đất nói trên trùng vào quy hoạch nghĩa trang của xã. Việc lập quy hoạch chung xây dựng xã Quang Diệm được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và đã được HĐND xã Quang Diệm thông qua trước khi trình UBND huyện phê duyệt theo quy định. Trong khi chưa thực hiện quy hoạch, hộ gia đình ông vẫn tiếp tục sử dụng phần đất bị ảnh hưởng đó cho tới khi Nhà nước thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch".

Đến ngày 12/4/2022, UBND xã Quang Diệm đã có thông báo số 05/TB - UB đề nghị ông Trung không được tác nghiệp trên phần đất đang có tranh chấp. Trước đó, ngày 31/12/2019, Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo số 850/TB-STNMT-UBNDHS trả lời và hướng dẫn UBND huyện Hương Sơn về việc xử lý kiến nghị của ông Nguyễn Văn Trung, thôn Sông Con, xã Sơn Quang (nay là xã Quang Diệm).

Về vấn đề này, trao đổi với Phóng viên, ông Trần Bình Thân - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn trả lời: "Sau khi có văn bản của sở, xã và huyện đã làm việc". Vậy nhưng, khi Phóng viên đề nghị được tiếp cận với những văn bản hòa giải, làm việc giữa gia đình ông Trung cùng nhóm người trên và chính quyền địa phương thì ông Thân cho biết: Chỉ trao đổi qua các cuộc họp hội đồng, tiếp xúc cử tri nên không có biên bản. 

3ad1daea7b13b74dee02-1657075404.jpg
Văn bản trả lời của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh.

Gia đình ông Trung và dư luận địa phương đặt vấn đề: Vì sao, phần diện tích này đã được cấp cho ông Trung sử dụng từ năm 1999 và năm 2003 ông Trung đã được cấp sổ đỏ với thời hạn 50 năm. Đến năm 2020, sau khi sáp nhập hai xã Sơn Diệm và Sơn Quang thành xa Quang Diệm, phần đất đang tranh chấp trên mới được đưa vào quy hoạch làm đất nghĩa trang của xã. Vậy vì sao nhóm người trên vào chặt phá cây cối của gia đình ông Trung nhưng họ lại không bị ngăn chặn và xử lý? Có hay không sự nương tay với nhóm người cố ý phá hoại tài sản của người khác? thực chất đây là hành vi phá hoại sản xuất.

Ý kiến luật sư

Về vụ việc này, Luật sư Võ Ngọc Giao - Công ty Luật TNHH ATD, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: "Căn cứ theo văn bản số 555/UBND-KTHT ngày 07/5/2021 của UBND huyện Hương Sơn. Và xét đế các yếu tố như: dấu hiệu về chủ thể, khách thể của tội phạm; các dấu hiệu về mặt chủ quan và khách quan của tội phạm. Như vậy, hành vi cố ý chặt phá cây cam của một nhóm người trên phần đất thuộc quyền sử hữu của ông Trung gây ra thiệt hại thực tế là 35.250.000 đồng đã có dấu hiệu cấu thành Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)".

Theo ý kiến của Luật sư: Ông Trung cần có đơn trình báo lên Công an huyện Hương Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân Huyện Hương Sơn để được tiếp nhận điều tra, xác minh. Khi cơ quan điều tra xác minh đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ yêu cầu khởi tố vụ án. Trường hợp Công an huyện Hương Sơn xác định là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm cần trả lời bằng văn bản cho ông Trung để ông Trung có cơ sở khiếu nại và trình báo, tố giác tội phạm lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

ong-trung-1-1657075571.jpg
Những gốc cam ông Trung mất bao công để chăm bón đã bị nhóm người vào chặt phá.

Quy định cụ thể của tội: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sư 2015, sửa đổi bổ sung 2017

“1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3.Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”./.

Nguyễn Duyên - Mỹ Hà