Hà Tĩnh: Tiếp nhận, tái thả 13 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên

Sáng ngày 10/11, Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) tiến hành tái thả 13 cá thể động vật hoang dã nguy cấp về môi trường tự nhiên.

Chiều 10/11, ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) tái thả 13 cá thể động vật hoang dã nguy cấp về với môi trường tự nhiên.

z3870302701255-2f751c6a573c595134c16aefe141c1d2-1668090287.jpg
Vườn Quốc gia Vũ Quang tái thả động vật quý hiếm về môi trường tự nhiên.

13 cá thể động vật hoang dã nguy cấp được tái thả về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) lần này đều thuộc nhóm IIB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

z3870302702940-c216e8e4b0fbe476ce503a55ba99d58b-1668090426.jpg
Sau khi tiếp nhận, chăm sóc, theo dõi sức khỏe trước khi được thả về rừng.

Cụ thể: Có 4 cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macacaarctoide); 7 cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học là Macaca nemestrina), 1 cá thể khỉ mốc (tên khoa học là Macaca assamensis) và 1 cá thể trăn mốc (tên khoa học là Python bivittatus). Các cá thể trên đều thuộc nhóm IIB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Trong số những cá thể động vật hoang dã được thả trên một số do Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang; số còn lại được Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận, chăm sóc trong thời gian qua.

z3870302694151-04d604cf3cb6489c89acb403b84bfce1-1668090539.jpg
Thời gian qua, Vườn quốc gia Vũ Quang cũng đã tái thả nhiều động vật rừng về môi trường tự nhiên.

Trước khi được tái thả về môi trường tự nhiên, các cá thể thể động vật hoang dã trên đều đã đảm bảo về tình trạng sức khỏe tốt.

Việc Vườn Quốc Pù Mát bàn giao cá thể khỉ mặt đỏ cho Vườn Quốc gia Vũ Quang nằm trong chương trình hợp tác, phối hợp trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã; đồng thời, phân tách đàn ra nhiều vùng khác nhau nhằm tạo hiệu quả trong công tác bảo tồn.

Trước đó, vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận 30 cá thể động vật hoang dã từ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) và tiến hành tái thả về môi trường tự nhiên.

z3870302706956-b1e0098d82249ca696859268e2c032d8-1668090581.jpg
Những động vật trên được tiếp nhận từ người dân và các vườn quốc gia lân cận.

Trong số 30 cá thể động vật hoang này có 4 cá thể rắn hổ mang chúa (tên khoa học là Ophiophagus hannah), đây là loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB có nguy cơ tuyệt chủng; 26 cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm IIB, được quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm gồm: 20 cá thể rắn hổ mang Trung Quốc (tên khoa học là Naja Atra), 4 cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macaca arctoides) và 2 cá thể khỉ vàng (tên khoa học là Macaca mulatta).

Sau khi thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ tiếp tục theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn cho các loài.

Duyên Hà