Hà Nội: Trồng mới khoảng 250 nghìn cây bóng mát, cây lấy gỗ

Năm 2024, toàn thành phố Hà Nội sẽ trồng mới từ 200 nghìn đến 250 nghìn cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại trên các tuyến giao thông đô thị, góp phần bảo đảm ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường và xây dựng Thủ đô “Xanh - Sạch - Đẹp”.
z5116577686784-30e6470da50af9da86406908df07e134-1706513702.jpg
Phát triển hệ thống cây xanh đô thị đa dạng, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu của Thủ đô. Ảnh: Trần Quỳnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị đã có hướng dẫn về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024. Theo đó, dự kiến trong năm 2024, toàn Thành phố sẽ trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20-30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng. 

Tính riêng đợt ra quân trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn, Hà Nội phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại. Về chủng loại cây, đối với trồng rừng là lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, de, mỡ…; trồng cây bóng mát, như: Muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long lão, ban Tây Bắc; trồng cây ăn quả, như: Bưởi, nhãn, cam, quýt, táo…

Thời gian triển khai trồng cây có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10). Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của cơ sở để triển khai tổ chức phát động Tết trồng cây từ ngày 15 đến 24/2/2024 tại các khu di tích lịch sử - văn hóa, các khu đô thị mới, các công trình công cộng, công viên, trường học, bệnh viện...

z5116566688967-486cfbd36a61281923071e4fde7a6a8b-1706513902.jpg
Các đơn vị cần kiểm tra bổ sung và thay thế cây xanh tại các tuyến đường, các nút giao trên địa bàn Thành phố. Ảnh: Trần Quỳnh

Để việc phát triển cây xanh bền vững, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, người dân; phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ phát động, đưa việc trồng cây xanh thật sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị của trồng cây xanh, trồng rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ngoài ra, cần có sự nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị đồng bộ với quy hoạch, phù hợp với đặc điểm của không gian khu vực, đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị. Việc thực hiện cần linh hoạt, chủ động, lựa chọn các loại cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, khu vực.../.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2024-2025, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh với tổng số 492.278.000 cây, trong đó có 275.596.000 cây xanh và 98.210 ha rừng trồng (tương đương với 216.682.000 cây).
Trần Quỳnh