Hà Nội – Sài Gòn bao giờ mới… thông minh (Smart City)

Người ta nói nhiều về “đô thị thông minh”, mình là kẻ dốt đặc về công nghệ, ai bảo gì cũng gật, nay mới có điều kiện tìm hiểu một chút về khái niệm này.
dsc-1446-1642816864.jpg
Quản lý điều hành giao thông đô thị  một tiêu chí của TP thông minh

Theo đó, đô thị thông minh là đô thị sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ IoT (Internet of things: Internet vạn vật/ kết nối). Nhằm thu thập dữ liệu và sau đó sử dụng các dữ liệu để quản lý tài sản và các nguồn lực một cách hiệu quả. Smart city không chỉ để tiết kiệm chi phí mà hơn thế là sự hấp dẫn và thú vị khi sống tại đây.

Dữ liệu này bao gồm từ người dân, thiết bị và tài sản, được tích hợp, xử lý và phân tích để giám sát và quản lý các hạng mục như:

- Hệ thống giao thông

- Nhà máy điện

- Mạng lưới cấp nước, quản lý chất thải

- Phát hiện tội phạm

- Hệ thống thông tin

- Trường học; Thư viện

- Bệnh viện,… và các dịch vụ cộng đồng khác.

Xu hướng này cũng thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ như IBM, Cisco, GE, Intel… Và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng muốn tham gia xu hướng thành phố thông minh.

Thành phố thông minh là mục tiêu mà nhiều quốc gia phát triển đang theo đuổi. Nhưng khái niệm và tiêu chuẩn đặt ra còn rất mơ hồ, khiến nhiều người nghi ngờ về ý nghĩa thật sự của nó.

Ví dụ về ứng dụng công nghệ để xây dựng thành phố thông minh; Dùng cảm biến để giám sát các đường ống nước bị rò rỉ (giảm chi phí sửa chữa) hoặc theo dõi chất lượng không khí để đo lường mức độ ô nhiễm (có thể giúp những người bị bệnh hen suyễn).

Cảnh sát dùng cảm biến video để quản lý đám đông, phát hiện hành vi phạm tội hoặc cảm biến có khả năng xác định chỗ đỗ xe đã đủ hay chưa sau đó kích hoạt tín hiệu để hướng dẫn tài xế đến các điểm đỗ khác.

Tại Bristol, Anh, hệ thống cảm biến hồng ngoại tùy chỉnh được thêm vào đèn đường trong vài tuần cuối năm 2014 để ghi lại bóng của người đi bộ. Sau đó, bóng được trình chiếu lại thông qua đèn đường để những người đi sau xem.

Ở xứ ta, từ năm 2012, Đà Nẵng dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh là thành phố đầu tiên định hướng xây dựng smart city. Thành phố này cũng đã hợp tác với tập đoàn công nghệ IBM và sau này đơn vị thực hiện là tập đoàn Viettel.

Năm 2015, Bình Dương chọn hợp tác với tập đoàn Brainport của Hà Lan. Nhằm thực hiện việc phát triển thành phố thông minh trong tương lai. Năm 2018, Bình Dương nằm trong danh sách 21 thành phố có chiến lược phát triển đô thị thông minh tiêu biểu thế giới (Smart21). Hiện tại, có đến hơn 20 tỉnh dự kiến triển khai kế hoạch Smart City.

Cứ như những tiêu chuẩn về Smart City thì Hà Nội và Sài Gòn chắc còn lâu mới thông minh, bởi một trong số các tiêu chuẩn của Smart City là phải có “giao thông thông minh”;  “môi trường thông minh” và một số thứ nữa phải thông minh… Để có giao thông thông minh, hai thành phố lớn nhất nước phải mất ít nhất là vài ba chục năm nữa!./.

Phan Thế Hải