Theo đó, 116 doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh, mua bán, sửa chữa vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn thành phố là đối tượng kiểm tra trong đợt này.
Nội dung kiểm tra tập trung vào các khía cạnh như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và các quy định về thương mại điện tử.
Mục đích chính của kế hoạch kiểm tra chuyên đề là phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng. Cụ thể kinh doanh vàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá... Điều này không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn ổn định thị trường vàng, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Một trong những yêu cầu quan trọng của kế hoạch là hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp. Đồng thời, các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình kiểm tra.
Ngoài ra, lực lượng kiểm tra cũng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, đồng thời kiểm tra các quy định khác có liên quan nếu cần thiết.
Đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 15/10.
Trước đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Thị trường TPHCM cho biết, trong đợt kiểm tra chuyên ngành về vàng trang sức từ đầu năm đến 15/7, đơn vị đã kiểm tra, phát hiện 196 vụ vi phạm. Đồng thời tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức (nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền...) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, tổng trị giá hơn 14,2 tỷ đồng; xử phạt hành chính với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng với các hành vi vi phạm, chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tháng 4, Đội Quản lý thị trường số 9 kiểm tra 5 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ở TP Thủ Đức, thu giữ nhiều nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay... không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tổng trị giá 233 triệu đồng. Trong tháng 5 và 6, Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra 11 doanh nghiệp kinh doanh vàng, tạm giữ nhiều sản phẩm vi phạm với tổng trị giá hơn 390 triệu đồng, đồng thời xử phạt vi phạm 590 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, trong quá trình xác minh, xử lý, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, sẽ tịch thu theo quy định.
Ngày 23/5/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tổ chức công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Đối tượng thanh tra bao gồm: NHTMCP Tiên Phong, NHTMCP XNK Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quí Sài gòn (SJC), CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quí Doji, CTCP Vàng bạc đá quí Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu./.