Trước kia không phải lúc nào cũng có thể tìm được loại rau này vì chỉ có trên rừng già, thác nước cao và hoàn toàn mọc tự nhiên. Còn bây giờ, loại rau đắng này một loài rau rừng độc đáo đã được người dân xã Nà Khương, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đem từ rừng về trồng tại vườn nhà. Lá đắng thường mọc trên những núi đá cao, dưới tán cây rừng nguyên sinh, thân nhỏ, phát triển nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chu kỳ thu hoạch 1 tuần/lần.
Lá đắng còn có tên gọi theo tiếng dân tộc Tày là “khum kìa”, dạng lá nhỏ, thấp, mảnh mai nhưng có nhiều công dụng tốt, như: Giải cảm, giải rượu, giảm đau dạ dày, giải độc gan… và là món ăn giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng. Bà Lùng Thị Ngoan, thôn Lùng Vi, xã Nà Khương (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), chia sẻ: “Gia đình tôi hiện trồng được khoảng 0,5 ha rau lá đắng dưới tán rừng. Hàng tuần tôi hái lá tươi bán tại chợ huyện Bảo Yên (Lào Cai), trung bình thu nhập trên 2 triệu đồng/phiên chợ…”. Hiện nay trên địa bàn xã Nà Khương có HTX Nam Hà chuyên trồng và thu mua lá đắng của bà con để sản xuất và cung cấp ra thị trường.
Ông Lùng Văn Trung, Giám đốc HTX Nam Hà, cho biết: HTX trồng được khoảng 10 ha lá đắng. Trung bình 1 ha trồng rau lá đắng thu được 1 tấn lá/năm. HTX tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, bao bì đúng tiêu chuẩn. Theo ông Trung, thị trường tiêu thụ sản phẩm lá đắng của HTX chủ yếu tại các chợ phiên và các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang… Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm HTX thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình trồng rau lá đắng.
Từ một loại rau rừng, lá đắng Nà Khương được người dân nâng cao giá trị, trở thành một trong những nông sản đặc trưng. Lợi ích kinh tế từ rau lá đắng đã được khẳng định. Thời gian tới, xã Nà Khương, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) sẽ tiếp tục phát triển cây lá đắng đem lại thu nhập cao cho người dân./.