Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế số 1 thế giới

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa bất ngờ điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới do sự sụp đổ của 3 ngân hàng và các tác động dây chuyền đối với hoạt động tín dụng trên cả hệ thống sẽ giới hạn mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2023.

Cụ thể, ngân hàng đầu tư này đã hạ dự báo tăng trưởng 0,3 điểm phần trăm, xuống còn 1,2% cho nền kinh tế Mỹ năm 2023. Nguyên nhân là tình hình rối loạn của hệ thống tài chính sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank khả năng cao sẽ cản trở đà tăng trưởng.

Theo Goldman Sachs, đây là hệ quả của việc hệ thống các ngân hàng vừa và nhỏ - vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cung ứng nguồn tín dụng tại Mỹ, thắt chặt điều kiện cho vay nhằm giảm thiểu rủi ro, sau một số vụ phá sản ngân hàng gần đây. 

Qua đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng, điều đó có thể ảnh hưởng đến tổng cầu và làm giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các ngân hàng vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Do vậy, bất kỳ tác động nào tới hoạt động cho vay cũng có thể tập trung vào một nhóm nhỏ các ngân hàng vừa và nhỏ.

"Các tiêu chuẩn cho vay cao hơn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc tăng trưởng GDP sẽ bị hạn chế", các chuyên gia David Mericle và Manuel Abecasis của Goldman viết trong một lưu ý gửi khách hàng.

Theo dữ liệu từ Goldman Sachs, các ngân hàng có tổng tài sản dưới 250 tỷ USD hiện chiếm khoảng 50% thị trường cho vay thương mại và công nghiệp tại Mỹ, con số này đối với mảng bất động sản nhà ở là 60%, bất động sản thương mại là 80% và cho vay tiêu dùng khoảng 45%.

Đây là những con số rất lớn, do đó các ngân hàng vừa và nhỏ đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế này. Vì vậy, bất kỳ thay đổi nào trong việc cho vay từ nhóm ngân hàng này cũng sẽ tạo thành ảnh hưởng lớn.

wd-wallstreet-donemmertafpgettyimages-1570368096303860192494-1679026578.jpgSở giao dịch chứng khoán tại New York, Mỹ. Ảnh minh họa

Các nhà phân tích dự báo các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ tiền gửi được bảo đảm thấp sẽ giảm khoảng 40% khoản cho vay mới. Trong khi đó, các ngân hàng vừa và lớn khác sẽ giảm khoảng 15% những khoản này, dẫn đến tổng mức tín dụng trong nền kinh tế từ kênh ngân hàng giảm 2,5%. Và theo các chuyên gia, tác động đối với tăng trưởng nhu cầu từ việc thắt chặt hoạt động cho vay sẽ có ý nghĩa tương đương với việc Fed tăng lãi suất 25-50 điểm cơ bản.

Sau vụ việc của SVB và Signature Bank, giới chức Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát cả 2 ngân hàng này để đảm bảo tiền gửi cho người dân. Tuy nhiên, những khách hàng với số tiền gửi từ 250.000 USD trở lên hiện không nằm trong diện được nhận bảo hiểm. Được biết, cuối năm ngoái, tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB lên tới 96% vì khách hàng của tổ chức này đa số là các công ty khởi nghiệp, trong khi con số đó tại Bank of America chỉ khoảng 38%.

Ở chiều ngược lại, Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 6%. Goldman Sachs cho biết sự phục hồi mạnh mẽ trong các lĩnh vực nhạy cảm với đại dịch COVID-19 và số liệu hoạt động được cải thiện trên diện rộng trong hai tháng đầu năm nay đã thúc đẩy họ nâng triển vọng cho Trung Quốc.

Ngoài ra, Goldman Sachs cũng nhắc tới sự cải thiện hoạt động trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc như một lý do khác để điều chỉnh dự báo. Lĩnh vực này đã đạt được tiến bộ mới trong quá trình thoát khỏi tình trạng sụt giảm kéo dài nhiều tháng.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ khoảng 5% trong năm nay./.

Thi Nguyên (t/h)